Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Việt Nam đã ghi dấu ấn là đối tác tin cậy

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai vừa kết thúc tuy không đạt được kết quả như kỳ vọng, song Việt Nam đã ghi dấu ấn trong vai trò chủ nhà. Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban - Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia - NCIF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tin rằng, Việt Nam có cơ hội tốt khẳng định mình là đối tác tin cậy của cả Hoa Kỳ, Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Nhiều cơ hội mới đang mở ra…
Vai trò, vị thế và hình ảnh của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi sau Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai. Vai trò, vị thế và hình ảnh của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi sau Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai.

Theo ông, quyết định lựa chọn Hà Nội là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai mang ý nghĩa và hàm chứa thông điệp gì?

Sẽ không thừa khi nhắc lại nhận định rằng, sự kiện này là cơ hội tốt cho Việt Nam theo nhiều nghĩa. Chính phủ xác định đây là sự kiến ngoại giao lớn nhất trong năm 2019 và quyết tâm tổ chức thành công. Ý nghĩa về ngoại giao, kinh tế, đặc biệt là du lịch là rõ ràng. Hình ảnh Việt Nam được nhắc đến nhiều hơn trên các phương tiện thông tin quốc tế.

Sự kiện này giúp Việt Nam khẳng định tốt hơn đóng góp của mình vào tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình khu vực. Việt Nam có cơ hội tốt khẳng định mình là đối tác tin cậy của cả Hoa Kỳ, Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như các quốc gia khác trong khu vực, từ đó đa dạng hóa được hoạt động ngoại giao nhằm tăng thêm hỗ trợ quốc tế trong các vấn đề khu vực của Việt Nam. Về kinh tế, đó là những tác động tích cực từ việc quảng bá hình ảnh và chính sách đổi mới, mở cửa thu hút đầu tư và trao đổi thương mại. 

Việc lựa chọn Việt Nam vào thời điểm này cũng mang tới nhiều thông điệp từ cả Hoa Kỳ và Triều Tiên. Về phía Triều Tiên, thành công của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi, khắc phục hậu quả sau chiến tranh là khá hấp dẫn với những nước đang có mong muốn mở cửa, cải cách như Triều Tiên.

 Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban - Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp 

Về phía Hoa Kỳ, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng với Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc tiếp tục phức tạp, cũng như trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Có thể bản thân chính quyền Hoa Kỳ cũng muốn nhân cơ hội này để cho phía Triều Tiên thấy một mô hình chuyển đổi thành công, cũng như mô hình cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ mà Triều Tiên cần phải tham khảo trong tương lai.  

Một điều chắc chắn, vai trò, vị thế và đặc biệt là hình ảnh, cũng như sự phát triển kinh tế, du lịch của Việt Nam có nhiều thay đổi sau sự kiện này, ngay cả với Singapore sau Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần đầu tiên vào năm ngoái...

Không nên so sánh với Singapore trong bối cảnh này, vì Singapore bản thân đã là một quốc gia có sức hấp dẫn lớn về du lịch từ trước rồi. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam kém hơn nhiều.

Những tác động của sự kiện này chắc chắn là ở việc gây dựng hình ảnh đối với du lịch. Như năm ngoái, vào thời điểm trước, trong và sau Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ nhất, Singapore là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Hà Nội đang như vậy.

Nhưng có thể kéo dài hiệu ứng này, có thể thu hút khách du lịch đến đâu và lợi ích từ du lịch đến đâu lại là câu chuyện khác, phụ thuộc hoàn toàn vào Việt Nam, vào các vấn đề mà chúng ta vẫn đang bàn như các sản phẩm du lịch, chính sách visa và đặc biệt là năng lực phục vụ của ngành du lịch.

Với tiềm năng và số khách du lịch thực tế đã đến Việt Nam, phải khẳng định là, cơ hội còn rất lớn, nhưng các vướng mắc cũng cần phải được giải tỏa ngay.

Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump thông báo hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực vào hôm nay (ngày 1/3), do kết quả thuận lợi của đàm phán thương mại. Nhưng những diễn biến trên chính trường và thương trường quốc tế vẫn tiếp tục phức tạp. Ông nghĩ thế nào về những tác động tới Việt Nam trong bối cảnh này?

Phải nhắc tới cả việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc thay đổi chính sách thuế thu nhập của Hoa Kỳ khi phân tích những tác động của các chính sách kinh tế và đối ngoại của Tổng thống Hoa Kỳ tới chính trường và thương trường quốc tế thời gian này.

Với Việt Nam, nền kinh tế nhận cả những tác động tiêu cực và tích cực, ở cả góc độ thương mại và đầu tư. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các tác động cụ thể, như việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP kéo theo nhiều tác động tích cực của TPP đã giảm đi rất nhiều trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ảnh hưởng khá lớn tới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu. Mặc dù thực tế là FDI vào Việt Nam vẫn tăng, nhưng đó là kết quả của các sự kiện khu vực cũng như nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.

Chính sách bảo vệ sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump và cắt giảm thâm hụt thương mại trong nước đang làm cho Việt Nam và các nước luôn phải dè chừng trong đẩy mạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Đối với căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang được hưởng những lợi ích nhất định và ngắn hạn trong lỗ hổng thị trường của Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng tác động về dài hạn có thể là tiêu cực.

Nhưng tựu trung, Việt Nam đang có nhiều lợi ích trong mối quan hệ với Hoa Kỳ. Cũng cần chú ý rằng, xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng là một trong những yếu tố giúp Việt Nam thu hút FDI, cũng như cải thiện thương mại với các đối tác khác.

Có thể nói đến hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào lúc này chưa, thưa ông?

Khi rút khỏi TPP, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đề cao vai trò của các hiệp định song phương hơn là đa phương. Một hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ rõ ràng có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam ở thời điểm này. Tuy nhiên, cần chú ý tới hai yếu tố.

Một là, FTA mà chúng ta nói đến có lợi ích gì cho Hoa Kỳ và nó có khung khổ cam kết giống với TPP hay một phiên bản hoàn toàn khác?

Hai là, cần chú ý rằng, trong thời gian qua, NAFTA và UKFTA của Hoa Kỳ với Hàn Quốc đã phải sửa đổi theo yêu cầu của Hoa Kỳ theo hướng cân bằng hơn cho nước này. Nhật Bản cũng đang bị ép phải có một FTA theo hướng có lợi hơn cho Hoa Kỳ. Các va chạm thương mại của Hoa Kỳ với EU hay Trung Quốc cũng đều theo hướng phải cân bằng hơn.

Tính chất “củ cà rốt” trong FTA với Hoa Kỳ không còn như trước đây nữa. Chính vì thế, tôi cho rằng, đã đến lúc, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu thiết kế một khung khổ cam kết phù hợp và dễ chấp thuận cho cả hai, hơn là những hình dung như hiện nay về một FTA mà chúng ta đang có.   

Với tư cách là chuyên gia về kinh tế quốc tế, ông khuyến nghị thế nào về việc tận dụng các cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị hiện tại?

Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, vì vậy lợi ích trong tự do hóa thương mại với các nước phát triển là khá rõ ràng. Các mối quan hệ này đã giúp Việt Nam tận dụng tốt lợi thế lao động giá rẻ thông qua kênh thương mại và đầu tư FDI.

Bối cảnh hiện nay đặt ra khá nhiều vấn đề. Căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể dẫn đến thay đổi định vị các chuỗi giá trị. Hoa Kỳ có xu hướng bảo hộ hơn. Hiệp định với EU, muốn khai thác tốt, cũng cần khá nhiều giả định từ nội bộ nền kinh tế. Thâm hụt thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có xu hướng gia tăng. Nói cách khác, lợi thế ngắn hạn của Việt Nam đang giảm khá nhanh, chưa kể yếu tố của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thu hút FDI vào công nghệ cao là cần thiết, nhưng thu hút FDI vào cải thiện chuỗi giá trị thông qua phát triển công nghiệp phụ trợ có lẽ cần thiết hơn, từ đó chúng ta mới có được lợi ích từ các cam kết thương mại hiện nay với các nước lớn. Nói cách khác, cải thiện cơ cấu nội tại và năng lực sản xuất nội tại là rất cần thiết trong giai đoạn tới.

Mặt khác, cũng cần chú ý đến xây dựng các doanh nghiệp lớn đầu tư ra nước ngoài để thu hút, học hỏi công nghệ. Bài học của Trung quốc cho thấy, lan tỏa công nghệ từ FDI vào doanh nghiệp trong nước chỉ là một phần, phần quan trọng là đầu tư ra ngoài để tìm kiếm và nắm bắt công nghệ.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục