Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII: Kỳ họp của những vấn đề hệ trọng

Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII thực sự là kỳ họp của những vấn đề hệ trọng, bởi trong chương trình làm việc kéo dài từ ngày 7/10 và vừa kết thúc tốt đẹp vào cuối tuần qua, rất nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển của Việt Nam trong tương lai đã được tập trung thảo luận.
Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã kết thúc tốt đẹp Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã kết thúc tốt đẹp

Không chỉ là Dự thảo Báo cáo Chính trị và Dự thảo báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), mà còn là các dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030; cũng như các vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019-2020…

Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ Khoá XII và là năm sẽ diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc khoá XIII của Đảng.

Vì vậy, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2019 - 2020 cũng như cả nhiệm kỳ và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ở đây, xin được nhấn mạnh nhiều hơn tới các báo cáo kinh tế, bởi hiện là thời điểm quan trọng xem xét, quyết định các đường hướng chiến lược cho sự phát triển của nền kinh tế, của đất nước trong giai đoạn tới, đặc biệt là những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá, khả thi cao trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, khi phát biểu tại Hội nghị cũng đã nhấn mạnh rằng, đây là những báo cáo rất quan trọng, đi sâu vào những lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc Đổi mới.

Rõ ràng, công cuộc Đổi mới của Việt Nam sẽ chỉ được thực hiện thành công một khi những nhiệm vụ cơ bản được chỉ rõ. Tương tự, khó có thể có một Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nếu không đánh giá một cách chính xác, chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan, những hạn chế, yếu kém, những thành tựu đã đạt được trong 10 năm 2011-2020, từ đó xác định rõ ràng, đúng đắn vị thế, động lực, nguồn lực của đất nước, sức mạnh của dân tộc trước khi bước vào nhiệm kỳ Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm mới.

Cùng với đó, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay, rồi tính đến những thời cơ, thuận lợi mới xuất hiện và lường trước những khó khăn, thách thức phải vượt qua trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ, đa chiều đối với tất cả các quốc gia…, thì cũng mới có thể vạch con đường chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Những thảo luận tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII vì thế là vô cùng quan trọng. Từ đây, các văn kiện quan trọng dự kiến trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ được hoàn thiện và tiếp tục đưa ra thảo luận tại các kỳ họp quan trọng của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, cũng như đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Tương tự, chuyện làm sao hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2019-2020 cũng vô cùng quan trọng. Kết quả này không chỉ quyết định việc hoàn thành Chiến lược 10 năm 2011-2020, Kế hoạch 5 năm 2016-2020, mà còn tạo tiền đề cho việc xây dựng và thực hiện Chiến lược 10 năm 2021-2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã kết thúc tốt đẹp. Cùng với đó, lộ trình cho tương lai của Việt Nam cũng bắt đầu được vạch ra…

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục