Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVII xem xét, thảo luận về các nội dung cụ thể: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023;
Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố năm 2023;
Kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm giai đoạn 2023-2025; Báo cáo tổng quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 của Thành phố; Tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Thành phố; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Thành phố Hà Nội.
Hội nghị cũng xem xét, cho ý kiến vào Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của Thành phố; Định mức phân bổ ngân sách của Thành phố giai đoạn 2023-2025;
Đề án quản lý, sử dụng tài sản công của Thành phố Hà Nội; Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy;
Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy; Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện 2 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của Thành phố Hà Nội
Về một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2022, năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm giai đoạn 2023-2025 của Thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và các chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của Thành phố.
Bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức và tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, song với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của Thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả khá quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” là điểm riêng có của Hà Nội cần được phát huy. |
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, tình hình kinh tế - xã hội cả nước cũng như Thành phố đang phải đương đầu nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn. Do đó, đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng, trúng đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến cụ thể về nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của Thành phố; định mức phân bổ chi ngân sách Thành phố giai đoạn 2023-2025, đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả khi tổ chức triển khai thực hiện.
Trong đó tập trung cho ý kiến đối với việc điều chỉnh định mức phân bổ chi thường xuyên đối với một số lĩnh vực; việc tăng tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất cho các quận, huyện, thị xã; việc phân chia khoản thu thuế thu nhập cá nhân…
Về Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố nghiên cứu, xây dựng “Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030”.
Đến nay, Đề án đã được Ban cán sự đảng UBND Thành phố chuẩn bị công phu, khoa học, nội dung khá đầy đủ, toàn diện với dung lượng 74 trang, kèm theo hệ thống 23 phụ lục chi tiết.
Để Đề án được hoàn thiện hơn nữa và đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi được thông qua và đi vào tổ chức thực hiện, Bí thư Thành uỷ đề nghị các đồng chí đại biểu tập trung, thảo luận cho ý kiến về sự cần thiết, phạm vi của Đề án;
Đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của Thành phố nói chung và tại cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác nói riêng, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất quan điểm, mục tiêu và các giải pháp khắc phục nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công. Đặc biệt là đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho thuê; quỹ đất 20-25%; quỹ đất, nhà tái định cư; quỹ đất dự kiến đối ứng BT trước đây...
Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”
Về nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu, triển khai các bước lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy trình quy định.
Hiện nay, nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích đánh giá và tham gia cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng và các giải pháp trọng tâm.
Trong đó cần lưu ý, mục tiêu, định hướng việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này cần bám sát định hướng phát triển Thủ đô được nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và phải được nghiên cứu đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành khác.
Bên cạnh đó, cần góp ý, thảo luận sâu về các vấn đề như: Thực trạng dân số của Hà Nội hiện nay cũng như dự báo dân số đến năm 2030, 2050 để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của Thủ đô vì đây là vấn đề rất quan trọng và còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là về hiện trạng dân số hiện nay của Thành phố.
Xác định tính chất, tầm nhìn phát triển Thủ đô theo Quan điểm số 2 của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị là phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là điểm riêng có của Hà Nội cần được phát huy và là điểm nhấn của Quy hoạch lần này.
Ngoài ra, cần đánh giá, rà soát các thế mạnh cũng như nhu cầu phát triển của từng địa phương để đề xuất đóng góp những giải pháp phát triển quan trọng, phù hợp để khi đồ án được ban hành đạt hiệu quả cao nhất.
Về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là công việc thường xuyên hàng năm của Thành ủy và là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về các nội dung, tiến độ của các công việc trong dự thảo Chương trình công tác năm 2023. Trong đó tập trung cho ý kiến về một số nội dung bổ sung, điều chỉnh so với Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy đã ban hành theo đề xuất của các cơ quan được giao chủ trì tham mưu. Đồng thời, đề nghị các đồng chí tiếp tục nghiên cứu có cần bổ sung và đưa thêm nội dung vào Chương trình công tác năm 2023 hay điều chỉnh tiến độ của nội dung hay không.
Về Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện 2 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, tham gia ý kiến trực tiếp vào văn bản và gửi lại Văn phòng Thành ủy, Ban cán sự đảng UBND Thành phố để tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo theo quy định.
Sau phát biểu khai mạc của Bí thư Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã nghe các báo cáo, tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố về các nội dung nêu trên. Sau đó, các ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội tiến hành thảo luận tại tổ về các Tờ trình, Dự thảo Chương trình, Nghị quyết được trình tại Hội nghị.
Hội nghị lần thứ 10, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVII dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ 21- 23/11/2022).