Về công văn trên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hôi Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc ngăn chặn hiện tượng giao dịch, mua bán đất đai trái quy định pháp luật là việc cần làm.
Đầu cơ đẩy giá bất động sản có thể dẫn đến hiện tượng bong bóng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của thị trường bất động sản, đồng thời tiềm ẩn những rủi ro trong tương lai. Việc này cần sự vào cuộc kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt của quản lý nhà nước tại địa phương.
Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Quảng Ninh muốn dừng mọi giao dịch mua bán nhà đất tại Vân Đồn để chờ phê duyệt đặc khu là điều cần xem xét lại với nhiều lý do khác nhau.
Văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh
Trong đó, ngoài việc thiếu căn cứ cơ sở pháp lý, đi ngược lại các quy định hiện hành về giao dịch đất đai, thì việc cấm, dừng còn có thể tạo ra sự đóng băng của thị trường bất động sản, từ đó gây hậu quả sẽ rất nặng nề, khó hồi phục lại trong một thời gian dài. Có thể sẽ lan tỏa cả thị trường bất động sản toàn tỉnh Quảng Ninh.
"Bên cạnh đó, việc cấm, dừng sẽ gây hệ lụy nản lòng các nhà đầu tư thực sự, chân chính đang tham gia tại địa phương. Thậm chí, cả các nhà đầu tư tương lai sẽ quay lưng với thị trường bất động sản Quảng Ninh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng mục đích đưa Vân Đồn thành đặc khu kinh tế của Chính phủ", ông Đính nhấn mạnh.
Do đó, ông Đính kiến nghị, cần có giải pháp hợp lý hơn trong việc kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm mọi hiện tượng thu mua gom đất, chia nền bán trái quy định phát luật, đặc biệt là đất nông nghiệp và đất rừng…
Trong đó, thay vì cấm, dừng, tỉnh Quảng Ninh có thể thực hiện công bố công khai thông tin chủ trương, chính sách phát triển kinh tế phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, nội dung đang nghiên cứu quy hoạch tại địa phương.
Đồng thời, công bố danh mục những dự án đủ điều kiện bán hàng và yêu cầu các dự án đó phải công khai thông tin mua bán trên các trang tin của cơ quan quản lý chức năng địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam
Đồng thời, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh hoạt động thanh tra chuyên ngành hoạt động, phân phối, môi giới bất động sản tại địa phương, các sàn giao dịch bất động sản, các văn phòng nhà đất, môi giới bất động sản. Nếu không đăng ký kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề phù hợp quy định phát luật phải kiên quyết xử lý theo luật định.
Ngoài ra, cần thực hiện đúng Nghị định 117/2015/NĐ - CP về xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để công bố định kỳ, công khai cho các nhà đầu tư hiểu rõ tình hình thị trường bất động sản địa phương.
Trong đó, nêu rõ thực trạng thị trường, xu hướng giao dịch, biến động giá cả, chỉ số giá, chỉ số giao dịch… Từ đó, giúp thị trường và các nhà đầu tư có thông tin cụ thể để đưa ra các quyết định đầu tư.
Ngày 4/5, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, đã ký văn bản gửi các ngành chức năng huyện về việc dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa diện tích dưới 500 m2.
Trước đó, Báo Đầu tư Bất động sản đã có bài phản ánh, thời gian vừa qua, với thông tin Vân Đồn sắp trở thành đặc khu kinh tế, tại đây đã xuất hiện tình trạng cò đất, đầu nậu gom đất và đưa thông tin, quy hoạch không chính xác, chào bán và đẩy giá cao.
Việc gom đất của nhà đầu tư đã diễn ra từ năm 2016, nhưng diễn ra mạnh hơn từ cuối năm 2017, đầu năm 2018. Lúc đầu chỉ có vài người tìm mua đất, sau đó kéo theo nhiều người khác tìm đến, kéo giá đất tăng lên.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, đất nền tại các dự án có giá dao động từ 20 - 50 triệu đồng/m2, tăng khoảng 40 - 100% so với trước Tết Âm lịch, còn đất thổ cư giá giao dịch từ 30 - 60 triệu đồng/m2, tùy vào vị trí, diện tích và loại đất.
Không chỉ Vân Đồn, tại 2 địa phương dự kiến sẽ xây dựng thành đặc khu khác là Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), giá đất cũng nhảy múa từng ngày.
Trước tình trạng sốt đất này, Bộ Xây dựng đã liên tiếp có văn bản gửi UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang và một số địa phương, yêu cầu tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường. Tổ chức thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền.