Mục tiêu phát huy tiềm năng chất xám
Ngay sau khi được Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép thành lập, năm 1974, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam đã tham gia như thành viên chính thức của Hội Khoa học kinh tế Quốc tế (IEA). Đây là một tổ chức quốc tế tạo điều kiện để các nhà kinh tế quốc tế giao lưu, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm.
GS-TSKH. Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam đã bắt đầu câu chuyện về chặng đường 45 năm của Hội như vậy.
Nếu tính thời điểm chính thức thành lập theo quyết định của Chính phủ, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam ra đời vào ngày 1/7/1975, với tư cách là một tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng điểm xuất phát của Hội lại là thành viên của IEA. Có lẽ vì vậy, mà từ khi thành lập đến năm 1990, đối ngoại là hướng hoạt động chủ yếu của Hội.
Sau năm 1990, kinh tế Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn mở cửa, hội nhập mạnh mẽ, đòi hỏi thay đổi, hoàn thiện dần cơ chế, chính sách.
Chỉ có phát huy tiềm năng chất xám của các hội viên, các nhà khoa học, Hội mới đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
GS-TSKH. Nguyễn Quang Thái
Đại hội nhiệm kỳ II của Hội năm 1990 đã mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển của Hội với việc chuyển hướng hoạt động, đẩy mạnh hoạt động ở trong nước và phát triển tổ chức để bắt kịp nhu cầu nghiên cứu, tư vấn, phản biện chính sách của nền kinh tế.
Trong thời gian ngắn, tổ chức của Hội đã mở rộng về quy mô và từng bước đa dạng về loại hình. Hội có thêm hội viên mới là Hội Khoa học kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân, Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM, Hội Khoa học kinh tế năng lượng, Hội Khoa học kinh tế cơ khí và Hội Khoa học kinh tế nông lâm nghiệp...
Những năm 1990, Hội thành lập cơ quan báo chí là Thời báo Kinh tế Việt Nam (nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam) và Trường đại học dân lập Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Năm 2016, để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, Hội thành lập Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam. Viện đã có một số kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng, được công bố trong và ngoài nước.
“Khi đó, Hội càng khẳng định, chỉ có phát huy tiềm năng chất xám của các hội viên, các nhà khoa học, Hội mới đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là định hướng phát triển của Hội những năm sau này”, GS-TSKH. Nguyễn Quang Thái nói và nhấn mạnh sự tự chủ về tài chính, không nhận bao cấp từ ngân sách của Hội.
Đặc biệt, Hội đã huy động sự tham gia rộng rãi của các nhà nghiên cứu kinh tế, đóng góp có kết quả vào hai nhiệm vụ nghiên cứu tư vấn được giao về quan điểm phát triển và các giải pháp chính sách, phục vụ các dự thảo Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Hiện nay, Hội có hơn 3.000 hội viên ở các hội địa phương, các hội ngành và các chi hội trực thuộc.
Giai đoạn chuyển đổi
Đại hội nhiệm kỳ V của Hội đã xác định 6 hướng hoạt động: nghiên cứu khoa học; tư vấn, giám định và phản biện xã hội; giảng dạy kiến thức kinh tế học; tuyên truyền, phổ biến khoa học kinh tế; phát triển tổ chức và hội viên; tăng cường hợp tác quốc tế.
“Khi thảo luận định hướng, nội dung hoạt động giai đoạn 2021 - 2026, chúng tôi đã nhất trí, cần tổ chức lại việc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trên với chất lượng mới, gắn với nhu cầu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thời kỳ đổi mới toàn diện, mạnh mẽ đất nước, tiến tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước”, GS-TSKH. Nguyễn Quang Thái chia sẻ.
Yêu cầu của việc tổ chức lại này cũng được xác định rõ. Một là, công tác nghiên cứu khoa học kinh tế phải gắn nghiên cứu và ứng dụng, tìm kiếm các giải pháp tốt nhất thực hiện các Nghị quyết của Đảng, ở cả trung ương, ngành và địa phương. Hai là, công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội cần gắn với các nhu cầu bức xúc và được dự báo ở doanh nghiệp, địa phương, ngành và cả nước.
Những năm tới là giai đoạn chuyển đổi Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chính thức sang loại hình trường đại học tư thục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Cùng với đó, công tác hợp tác quốc tế sẽ được đẩy mạnh.
Đặc biệt, sau 45 năm hoạt động, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ chuyển đổi thế hệ. Theo dự kiến, đại bộ phận thành viên Ban Chấp hành Hội gồm các nhà kinh tế dưới 70 tuổi, đa số ủy viên Trung ương Hội từ 55 tuổi trở xuống. Với cơ cấu như vậy, có thể tin rằng, hoạt động của Hội Khoa học kinh tế Việt Nam có thể mở rộng và đi vào chiều sâu, năng động hơn.