Hồi kết cho tranh chấp cổ đông lớn tại Vinaconex

(ĐTCK) Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) đang dần được xử lý theo đúng kịch bản mà những nhà đầu tư am hiểu doanh nghiệp này dự liệu ngay từ khi kết quả thoái vốn nhà nước của SCIC và Viettel được công bố.

An bài số phận đất vàng

Cụ thể, Vinaconex thoái 50% vốn tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC), bù lại nhóm cổ đông lớn là Bất động sản Cường Vũ và TNHH Start Invest thoái sạch vốn tại Vinaconex.

Khi 2 cổ đông nhà nước có kế hoạch thoái vốn tại Vinaconex, đất vàng Splendora có diện tích 264 ha do An Khánh JVC phát triển trở thành “át chủ bài” với những đại gia săn đất.

Trước thềm phiên thoái vốn trên, giới đầu tư đã thấy bóng dáng của một đại gia sẽ gia nhập cuộc đua sở hữu chi phối Vinaconex khi Posco E&C chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp.

Diễn biến phiên đấu giá trọn lô 254,9 triệu cổ phần VCG (chiếm 57,71% vốn điều lệ) của Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khiến nhiều lãnh đạo SCIC và Vinaconex bất ngờ.

Nhóm cổ đông An Quý Hưng đã đấu giá thành công khi trả 28.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 35,7% so với giá thị trường và hơn 56% so với thị giá giao dịch của VCG trên sàn.

Ngay sau khi phiên đấu giá trọn lô 94 triệu cổ phiếu VCG (tương đương 21,28% vốn) của Viettel kết thúc với Bất động sản Cường Vũ trúng giá, người trong cuộc đã dự báo về một diễn biến sẽ ồn ào sau này.

Lý do, đây là 2 nhóm nhà đầu tư khác nhau và kịch bản của một nhóm đầu tư đã “phá sản”. Khi nhìn nhận về các nhóm cổ đông mới của Công ty, một số lãnh đạo của Vinaconex cũng nhận định về quãng thời gian khó khăn sắp tới và mọi chuyện sẽ chỉ được giải quyết chừng nào dự án Splendora phải do một bên cầm trịch. Ai mạnh về tiềm lực hơn, đủ khả năng đi đường dài hơn sẽ chiến thắng.

Cả hai đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 và 2020 căng thẳng, nhiều “đòn đánh” qua lại giữa 2 nhóm cổ đông lớn nhất trong Vinaconex…, cuối cùng, mọi chuyện đã được dàn xếp bằng sự hoán đổi cổ phần trong các doanh nghiệp.

Ngày 14/8, Hội đồng quản trị Vinaconex ra quyết định phê duyệt phương án chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn của Vinaconex (VCG) tại An Khánh JVC.

Vinaconex có gì cho giai đoạn mới?

Cùng với động thái thoái vốn tại An Khánh JVC, cổ phiếu VCG đã có biến động mạnh sau khi nhóm cổ đông lớn Bất động sản Cường Vũ và Star Invest thoái vốn. Thanh khoản tăng vọt và thị giá cổ phiếu tăng từ 24.000 đồng/cổ phiếu lên 32.000 đồng/cổ phiếu.

Vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp phải xử lý tới đây là bổ sung vốn khi dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm tới gần 2.000 tỷ đồng; các khoản mục phải thu hàng nghìn tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Vinaconex mới đây cho biết, tổng nợ phải trả lên đến 10.644 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là trên 6.800 tỷ đồng. Thực tế trong hơn 1 năm qua, Vinaconex đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu với việc thoái vốn khỏi nhiều công ty con, công ty liên doanh, liên kết, các khoản đầu tư…

VCG đã bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phần (36% vốn) tại Công ty cổ phần Ðầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2), bán vốn tại Công ty cổ phần Sợi thủy tinh Viaconex (Viglafico), Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Quyết Thắng, Công ty cổ phần Vipaco, Công ty cổ phần Xuân Mai Ðà Nẵng, Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại Vinaconex…

Riêng trong quý I/2020, VCG đã bán 15,97 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển năng lượng Vinaconex (VCP).

Công ty cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua chào bán 66,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Với giá chào bán dự kiến 15.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị thu về dự kiến là 994 tỷ đồng.

Chưa phân bổ chi tiết, nhưng số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được VCG dùng để triển khai dự án Khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại Quảng Ninh; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Ðông Anh (Hà Nội); triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Resort ven biển Tuy Hòa (Phú Yên); làm vốn đối ứng để tham gia vào các dự án BOT, các dự án do Tổng công ty làm chủ đầu tư hoặc góp vốn.

Cũng cần lưu ý thêm là gần đây, Vinaconex đã công bố việc liên danh của Tổng công ty tham gia ứng tuyển vào các gói thầu tại Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Tuy vậy, với quy mô các dự án lớn, lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, bài toán vốn cũng như tính hiệu quả (biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp chỉ từ 5 - 7%) sẽ là thách thức không nhỏ với Vinaconex cũng như các nhà đầu tư lớn bỏ vốn vào doanh nghiệp.

Trần Vũ Cường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục