Hồi hộp chờ kết luận về sai phạm của các "ông lớn"

(ĐTCK) Dù đã xong quá trình thanh tra, nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn chưa có kết luật cuối cùng vê sai phạm tại các "ông lớn" như EVN, Agribank, VRG.
Hồi hộp chờ kết luận về sai phạm của các "ông lớn"

>> EVN đã giải trình, nhưng sai vẫn là sai

>> Quý III/2013, phát hiện 11 vụ tham nhũng  

>> Phát hiện vi phạm 354 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 3,1 tỷ đồng

>> Phát hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực đất đai

Chậm do cơ chế

Giải thích nguyên nhân chậm công bố các kết luận thanh tra Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã dẫn ra quy định của Luật Thanh tra.

Theo đó, sau khi có quyết định thanh tra một đơn vị, TTCP sẽ thành lập đoàn thanh tra để tiến hành thực hiện quyết định đó. Trong một thời gian nhất định đã được ấn định tại quyết định thanh tra, đoàn thanh tra phải có kết luận thanh tra gửi lên TTCP. TTCP sẽ tiến hành thẩm định, kiểm tra và hoàn thiện kết luận thanh tra, rồi gửi đến đơn vị được thanh tra, các cơ quan nhà nước có liên quan và gửi báo cáo đến thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp (Thủ tướng Chính phủ).

Hồi hộp chờ kết luận về sai phạm của các "ông lớn" ảnh 1EVN cho rằng, xây dựng hàng trăm ngàn m2 công trình phúc lợi là để thu hút cán bộ

Theo ông Khánh, trong kết luận thanh tra này có nhiều nội dung không thuộc thẩm quyền của TTCP nói riêng, cũng như không thuộc thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước nói chung. Vì vậy, TTCP đã có nhiều kiến nghị, đề xuất để xử lý vụ việc, nhưng kết luận cuối cùng là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, sau đó TTCP mới được công bố chính thức kết luận.

Mặc dù vậy, ông Khánh chia sẻ, TTCP đang bước vào giai đoạn xây dựng kết luận thanh tra tại VCCI. Còn tại Agribank, thời gian kết thúc thanh tra trực tiếp là ngày 3/7/2012.

 “Cuộc thanh tra đối với Agribank đã kết thúc, nhưng kết luận chậm và đã báo cáo Thủ tướng 2 lần, hy vọng sẽ sớm có kết luận trong thời gian tới”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho biết, vụ việc tại Agribank rất phức tạp, nhất là những món vay lớn, hiện còn nhiều việc phải thận trọng, khách quan, cần có thời gian để lắng nghe giải trình của Agribank, Ngân hàng Nhà nước, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao không phải 1 lần, mà nhiều lần.

Mặc dù ban hành kết luận thanh tra chậm, nhưng sự khắc phục của Agribank đang rất khẩn trương. Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, bắt giam hàng chục cán bộ liên quan đến sai phạm tại ngân hàng này”, ông Khánh nói và cho hay, có thể trong kết luận tới đây của TTCP tại Agribank sẽ có thống kê những nội dung mà ngân hàng này đã thực hiện theo chỉ đạo của TTCP.

Về sự chậm trễ trong việc ban hành kết luận thanh tra tại VRG, ông Khánh cho rằng, VRG là tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, có vai trò an trò sinh xã hội và an ninh quốc phòng, nhất là vùng Tây Nguyên, quá trình thanh tra mới kết thúc, hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra. Trong thời gian ngắn tới, những kết luận thanh tra này sẽ có kết luận cuối cùng và công bố rộng rãi.

 

Về sai phạm tại EVN

Vừa qua, sau khi có thông tin TTCP kết luận thanh tra về một số sai phạm tại EVN, trong đó chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis, bể bơi, nhà trẻ... được hạch toán vào giá điện, EVN đã chính thức lên tiếng thanh minh rằng không có chuyện đó. Theo EVN, để thu hút những cán bộ, công nhân, kỹ sư có trình độ cao về làm việc tại các nhà máy trong những điều kiện khó khăn, các nhà máy điện đều phải có Khu quản lý vận hành, sửa chữa, trong đó có hạ tầng và nhà ở cho cán bộ, công nhân. Những nhà ở này thực chất là nhà ở công vụ, khi cán bộ, công nhân không làm việc ở nhà máy phải trả lại nhà. Các nhà ở biệt thự đơn lập, song lập được xây dựng cho các chuyên gia sinh sống trong quá trình thi công nhà máy, sau khi nhà máy xây dựng xong, các chuyên gia không ở nữa sẽ chuyển thành nhà khách hoặc nhà ở phục vụ quản lý vận hành.

Tại buổi họp báo, ông Khánh cho biết, TTCP vừa có buổi làm việc với EVN. Hai bên đã trao đổi quan điểm về nội dung trên. EVN cho rằng, việc xây dựng những công trình trên là từ nguồn vốn khác đã được tách biệt ra khỏi công trình điện cần khấu hao và được quản lý riêng biệt, có thu, có chi. Vì vậy, không có việc EVN hạch toán cả những công trình trên vào giá điện.

Về vấn đề này, ông Khánh nêu quan điểm, chỉ khi các công trình trên được xây dựng bằng nguồn quỹ phúc lợi xã hội thì mới không bị hạch toán vào giá điện. Còn khi công trình được xây dựng bằng nguồn vốn khác thì chắc chắn phải được tính khấu hao công trình để thu hồi vốn.

Ông Khánh cho biết, về việc mua sắm xe công vượt quá quy định, EVN đã thừa nhận có sai phạm (hơn 3 tỷ đồng/xe). Hướng giải quyết được EVN đề xuất là phần trong hạn mức thì được tính trừ theo đúng quy định, còn phần vượt quy định thì EVN sẽ dùng thu nhập sau thuế bù vào. Tuy nhiên, cách xử lý thế nào còn phải chờ kết luận cuối cùng của Thủ tướng.  

 

Trong quý III/2013, thanh tra các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành 690 cuộc thanh tra hành chính, kết thúc thanh tra trực tiếp 369 cuộc. Tổng hợp kết quả từ các cuộc thanh tra đã phát hiện vi phạm với số tiền 125 tỷ đồng và 985,4 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi 56,2 tỷ đồng và 972 héc-ta đất; kiến nghị xử lý hành chính 163 tập thể, 236 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét 7 vụ, 9 người.

Lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng đã tiến hành 42.513 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của 73.614 tổ chức, cá nhân, phát hiện 69.048 tổ chức, cá nhân có vi phạm; ban hành 25.642 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 44,5 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 24,4 tỷ đồng, xử phạt hành chính 72,8 tỷ đồng.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, đã phát hiện 11 vụ, 14 đối tượng với số tiền gần 300 triệu đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 560 triệu đồng.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 47.348 lượt công dân với 16.937 vụ việc, trong đó có 708 đoàn đông người.

Minh Nhật
Minh Nhật

Tin cùng chuyên mục