Hội đồng Bầu cử quốc gia nhất trí với đề nghị có 184 đơn vị bầu cử trong cả nước

Chiều 3/3, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiến hành họp phiên toàn thể thứ 3.
Hội đồng Bầu cử quốc gia nhất trí với đề nghị có 184 đơn vị bầu cử trong cả nước

Phiên họp nhằm xem xét thông qua Nghị quyết về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử trong cả nước.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, thời gian từ nay đến ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 không còn nhiều, khối lượng công việc rất lớn.

Theo quy định, đến ngày 14/3/2021, tất cả người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hoàn thành việc nộp hồ sơ, trong đó có một số hồ sơ tự ứng cử do vậy cần nhanh chóng được xem xét theo đúng quy định của pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia cần khẩn trương, thận trọng triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên phạm vi cả nước, để bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đạt mục đích, yêu cầu, bảo đảm nhân dân và cử tri cả nước được tham gia ứng cử, bầu cử công bằng theo đúng quy định của pháp luật.

Báo cáo kết quả điều chỉnh sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng Đại biểu Quốc hội khóa XV, ông Trần Văn Túy, Phó trưởng Tiểu ban Nhân sự cho biết, ngày 17/2 Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tiến hành xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

Kết quả có 32 tỉnh, thành phố nhất trí với dự kiến phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 31 tỉnh, thành phố đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh cơ cấu thành phần, số lượng Đại biểu Quốc hội khóa XV. Tổng số người được hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cả Trung ương và địa phương) là 1.076 người; đạt tỷ lệ bình quân là 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu nhưng tỷ lệ không đồng đều giữa các tỉnh.

Ông Túy cũng cho biết có 2 tỉnh, thành phố đề nghị điều chỉnh số lượng Đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu về ứng cử ở địa phương. Một số tỉnh, thành phố đề nghị điều chỉnh cơ cấu định hướng: doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Viện kiểm sát, khối nội chính, Sở Tư pháp. Ngoài ra, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đề nghị điều chỉnh một số cơ cấu kết hợp như cơ cấu dân tộc, cơ cấu tái cử, cơ cấu nữ, cơ cấu trẻ tuổi và cơ cấu ngoài Đảng.

Ngày 22/2, tại phiên họp thứ 53, căn cứ vào kết quả hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương và địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 1226 điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong cơ cấu này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh các địa phương cần quan tâm phân bổ hợp lý số người là phụ nữ, người ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử. Việc lựa chọn nhân sự đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện như quy định của luật theo hướng nâng cao chất lượng đại biểu và hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.

Vẫn theo ông Túy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh đảm bảo thực hiện quy định của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Số đại biểu người dân tộc thiểu số bảo đảm tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử Đại biểu Quốc hội, số Đại biểu Quốc hội tái cử khoảng 160 đại biểu, đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử. Đồng thời số lượng đại biểu ngoài Đảng khoảng từ 25-50 đại biểu, đại biểu trẻ tuổi khoảng 50 đại biểu.

Với 100% các thành viên tán thành, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia về việc ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng Đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã nhất trí với đề nghị có 184 đơn vị bầu cử trong cả nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu tiếp thu ý kiến tại Phiên họp khẩn trương hoàn thiện các văn bản trình ký để gửi đến các cơ quan, địa phương theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Ban Công tác đại biểu và Hội đồng Bầu cử quốc gia chuẩn bị danh sách những người thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý để chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương theo đúng quy định, hoàn thành trước ngày 11/03/2021.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục