Học thuyết thị trường hiệu quả (theo tài liệu học tập của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) được định nghĩa như sau: thị trường hiệu quả là thị trường trong đó giá cả của chứng khoán đã phản ánh đầy đủ, tức thời tất cả thông tin hiện có trên thị trường. Việc giá tăng hay giảm là do thị trường phản ứng đối với các thông tin mới, mà thông tin mới thì không thể dự báo được.
Để hiểu rõ hơn về thị trường hiệu quả, đầu tiên chúng ta phải biết thế nào là thị trường kém hiệu quả. Thị trường kém hiệu quả là thị trường mà ở đó các hiện tượng có thể dự báo được. Chẳng hạn, trên TTCK Việt Nam có thời gian xuất hiện những hiện tượng mang tính quy luật như hiện tượng đầu tuần (giá cả đầu tuần luôn đi ngược lại giá cuối tuần trước, cuối tuần giá tăng thì đầu tuần sẽ giảm hoặc ngược lại); hiện tượng mỗi lần phát hành thêm hoặc thưởng cổ phiếu thì thị giá sẽ tăng trước ngày chốt danh sách; giá cổ phiếu trên thị trường OTC (over the counter) thường rẻ hơn trước khi được niêm yết, nên có thời gian khi thông tin DN sắp sửa được niêm yết thì NĐT sẽ mua gom loại cổ phiếu này đợi ngày lên sàn... Những dạng thị trường như thế được xem là thị trường kém hiệu quả.
Tuy nhiên, giống như hiện tượng "nước chảy chỗ trũng", khi thị trường trở nên kém hiệu quả, quy luật cung cầu trên thị trường do NĐT cạnh tranh lẫn nhau khai thác các hiện tượng đã được nhận biết để kiếm lợi nhuận. Và chính điều này sẽ đưa thị giá trở về trạng thái cân bằng, đồng thời xóa bỏ hiện tượng đó. Thị trường khi đó sẽ bắt đầu phát sinh những hiện tượng mới và trở thành thị trường hiệu quả ở hình thái mạnh bởi những hiện tượng, quy luật mới chưa được NĐT nhận biết. Đối với nhiều NĐT chuyên nghiệp thì TTCK không bao giờ có quá khứ, nghĩa là những hiện tượng không bao giờ lặp lại giống nhau, vì thế khó mà dự đoán được.
Việc nắm bắt được những hình thái thị trường ở các mức độ hình thái hiệu quả yếu (weak form) và mạnh (strong form) sẽ giúp NĐT có thêm cơ hội đánh giá danh mục đầu tư của mình, giúp NĐT tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Ví dụ, trong quá khứ, có thời điểm mà đi đâu bạn cũng nghe thấy, ai cũng "trúng" chứng khoán, cứ ai tham gia là thắng, sự tin tưởng tràn ngập. Hoặc khi thị trường đi xuống, không khí trầm lắng, thị trường ảm đạm, bạn nghe được nhiều người phải bán tài sản của mình để trả nợ, niềm tin bị đẩy xuống. Những lúc như thế, thị trường đã trở thành thị trường kém hiệu quả.
Bởi vì tất cả thông tin cảnh báo khi thị trường tăng nóng, chứng khoán vượt quá giá trị thật đã được NĐT nhận biết và sự cạnh tranh của họ đã đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng. Ngược lại, khi thị trường giá lên là do NĐT nhận thấy, chứng khoán trở nên rẻ hơn so với giá trị nội tại, đồng thời những thông tin về DN, về thị trường nói chung đã làm NĐT bắt đầu mua vào và cũng chính sự cạnh tranh của NĐT đã hình thành thị trường hiệu quả mạnh (strong form) thoát khỏi hình thái thị trường hiệu quả yếu (weak form). Chính điều này đã mang lại sự hấp dẫn của TTCK. Tóm lại, thị trường mà ở đó giá thay đổi ngẫu nhiên, không có quy luật về sự thay đổi và không thể dự đoán được, đồng thời do có sự cạnh tranh giữa các NĐT dẫn đến một thị trường hiệu quả.
Học thuyết thị trường hiệu quả xem 2 học thuyết phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật không có giá trị. Theo đó, kết quả của phân tích cơ bản dựa trên những thông tin đại chúng, công khai mà NĐT đều có thể biết được. Bởi vậy, kết quả này sẽ được NĐT sử dụng để đầu tư và chính sự cạnh tranh của các NĐT sẽ đưa giá chứng khoán trở về trạng thái cân bằng dẫn đến lợi nhuận không có sự đột biến, chỉ có NĐT xuất sắc mới có thể mang lại lợi nhuận siêu ngạch trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Với phân tích kỹ thuật, sử dụng những thông tin về giá, sức cung cầu trong quá khứ là những thứ đã diễn ra và được nhận biết nên đều được NĐT sử dụng để đầu tư. Chính sự cạnh tranh của NĐT trong việc sử dụng các thông tin này cũng sẽ đưa giá chứng khoán trở về trạng thái cân bằng. Khi đó, lợi nhuận của chứng khoán có thể chỉ đủ bù đắp cho các khoản chi phí và cũng chỉ có NĐT tài giỏi mới có thể dùng những thông tin trên để tạo lợi nhuận đột biến.
Nhìn lại quá khứ, tại thời điểm năm 2001 khi mà thị trường đang ở giai đoạn cao trào (chỉ có mấy loại chứng khoán trên sàn giao dịch) cầu nhiều hơn cung, lẽ ra nên bơm thêm hàng vào thị trường nhưng cơ quan quản lý thị trường khi đó quyết định mỗi lệnh mua chỉ được phép mua 2.000 chứng khoán và thế là thị trường lao xuống, VN-Index từ 571 điểm còn 130 điểm trong thời gian ngắn và mãi đến 4 năm sau thị trường mới lên thêm được 100 điểm nữa và 5 năm sau mới lên lại được giá trị cũ. Hay mới đây là Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước về khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán được đưa ra khá bất ngờ làm cho NĐT, cộng đồng tài chính và thị trường phản ứng. Với học thuyết thị trường hiệu quả thì những thông tin này đã ảnh hưởng gì đến tâm lý hành vi của các chủ thể tham gia thị trường, đến quy luật thị trường, đồng thời phản ánh vào giá chứng khoán. Những NĐT vận dụng học thuyết thị trường hiệu quả khi đó sẽ xác định chiến lược đầu tư phù hợp.
Những phương pháp dùng để phân tích đầu tư chứng khoán như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật hay học thuyết thị trường hiệu quả đều có những ưu điểm và nhược điểm. NĐT phải lựa chọn, sử dụng phương pháp nào phù hợp với bản thân và ở từng thời điểm của thị trường. Có thời điểm sử dụng phương pháp này là phù hợp, còn phương pháp kia không phù hợp nữa. Tuy nhiên, để đầu tư thành công, ngoài việc có phương pháp phân tích tốt, NĐT còn phải biết sử dụng chúng sao mang lại kết quả. Biết phối hợp tất cả các phương pháp phân tích đầu tư lại với nhau sẽ chính là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất.