Học cần đi đôi với hành

(ĐTCK) Tuần qua, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) có buổi tọa đàm về doanh nghiệp Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư Nhật Bản. Theo quan sát, gần đây, cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn gián tiếp của các nhà đầu tư Nhật Bản đã gia tăng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ảnh Shutterstock.

Ở nhiều thương vụ, có sự bạo tay của các nhà đầu tư xứ sở mặt trời mọc, khác hẳn với nhịp chậm rãi từ vài ba năm trước, nhất là trong cuộc đua với các nhà đầu tư xứ kim chi.

Tiêu chí được quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư ngoại khi bỏ vốn vào thị trường, đó là sự minh bạch và hiệu quả, ông Tetsu Funayama, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Mitsubishi Việt Nam, người đã có trên 20 năm kinh nghiệm kinh doanh với Việt Nam chia sẻ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp để họ dễ dàng bỏ vốn, ngay cả những doanh nghiệp đã có mặt trên sàn chứng khoán.

Có lẽ bởi vậy mà Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) triển khai dự án “Tăng cường năng lực nâng cao tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam”, bắt đầu từ đầu năm 2019 và được triển khai trong 3 năm.

Dự án này nhằm tăng cường năng lực của UBCK và 2 Sở giao dịch chứng khoán trong hoạt động giám sát thị trường và các trung gian thị trường, quản lý hoạt động niêm yết và phát hành cổ phiếu, đồng thời tăng cường nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp về bảo vệ nhà đầu tư. Sẽ có nhiều hoạt động như rà soát khuôn khổ quản lý giám sát, cung cấp tư vấn, triển khai các hoạt động nâng cao năng lực, cập nhật các hướng dẫn/sổ tay hoạt động nội bộ, sửa đổi khung pháp lý liên quan...

Lãnh đạo UBCK chia sẻ, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển tương đối nhanh nhưng khả năng quản lý, tính công khai, minh bạch và năng lực quản trị của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đang gặp một số khó khăn, nên kỳ vọng thông qua dự án trên sẽ giúp tăng cường năng lực quản lý, thanh tra giám sát của UBCK và các Sở giao dịch chứng khoán cho sự phát triển của thị trường, đồng thời tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư Nhật Bản khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ðây không phải lần đầu, ngành chứng khoán Việt Nam đi học cách làm của các tổ chức quốc tế, các thị trường phát triển trên thế giới.

Ðã có rất nhiều hội thảo, hội nghị, các đoàn công tác trao đổi học hỏi kinh nghiệm với các Sở giao dịch chứng khoán Singapore, Mỹ, Ðài Loan... về vấn đề minh bạch và giám sát thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã áp dụng nhiều cách làm của nước ngoài, kiểm toán độc lập, quản trị công ty theo thông lệ quốc tế, báo cáo tiến độ sử dụng vốn, soát xét báo cáo tài chính bán niên, báo cáo quản trị công ty…

Nhưng thực tế cho thấy, trên thị trường vẫn xuất hiện không ít trường hợp doanh nghiệp báo cáo số liệu không chính xác, lợi nhuận sau kiểm toán chênh hàng chục phần trăm, doanh nghiệp đang lãi thành lỗ, cũng như những doanh nghiệp “úp sọt” nhà đầu tư hàng chục tỷ đồng rồi rơi vào diện kiểm soát, hạn chế giao dịch…

Vậy, học là một chuyện, làm lại là chuyện khác.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục