Một nguyên nhân quan trọng là khi đầu tư thật, tâm lý NĐT bị dao động mạnh theo biến động giá cổ phiếu hàng ngày, hàng giờ. Bởi lẽ, NĐT được tiền thật hoặc mất tiền thật, chứ không như khi đầu tư ảo, giá tăng hay giảm đều không ảnh hưởng đến kinh tế của họ. Khi cảm xúc lên xuống theo giá cổ phiếu thì những quyết định vốn dĩ có được qua việc suy nghĩ kỹ lưỡng bị ảnh hưởng, khiến kỷ luật đầu tư bị vi phạm, quyết định mua bán trở nên thiếu sáng suốt.
Chẳng hạn, khi đầu tư ảo, NĐT đặt ra quy tắc bán khi giá biến động 8%, nghĩa là chốt lời hoặc cắt lỗ ở mức 8%. Theo đó, chỉ cần số lần ra quyết định đúng nhiều hơn sai là thành công. Vậy nhưng, khi đầu tư thật, lúc giá lên thì thường hối hận là đã mua quá ít, lúc giá xuống thì hối hận vì sao lại mua cổ phiếu đó. Mong muốn kiếm lời lớn hơn khi giá tăng hoặc hy vọng giá lên trở lại sau khi giảm khiến NĐT chần chừ, dẫn đến bán ra sai thời điểm, hệ quả là lãi ít hoặc lỗ lớn khi giá cổ phiếu diễn biến không như kỳ vọng. Thậm chí, đối với những cổ phiếu tốt, đáng lẽ phải mua thêm khi thấy giá giảm thì thường lại bán ra. Có NĐT bị lỗ và "thề" không mua cổ phiếu đó nữa, vì "ghét", vì nó khiến cho họ có cảm giác mình "ngu", dù sau đó giá có hấp dẫn thế nào đi chăng nữa. Cũng có NĐT không dám thừa nhận thất bại nên cố giữ cổ phiếu, nhưng giá lại càng giảm, đến khi không thể chịu đựng được nữa thì họ "dũng cảm" bán hết cổ phiếu đi.
Thực tế cho thấy, động tác phản xạ cảm xúc thường đi ngược với hành vi suy nghĩ lý tính, khi NĐT càng muốn mua thì lúc đó thường không phải là thời cơ tốt để mua vào và ngược lại.
Có hai nhược điểm lớn ảnh hưởng đến đầu tư của cảm xúc, đó là lòng tham và nỗi sợ hãi. Sợ hãi giúp NĐT phải đề cao cảnh giác nhằm né tránh nguy hiểm, nhưng trên phương diện đầu tư tài chính thì nó là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại. Bởi lẽ, khi NĐT lúc nào cũng cảnh giác cao độ sẽ cảm thấy bất an, dễ bị cảm xúc ảnh hưởng, dẫn đến hành vi đầu tư sai lầm, thường là bán tháo cổ phiếu với giá rẻ. Thực tế, có nhiều việc mà NĐT lo lắng lại không xảy ra hoặc hậu quả không đến mức tồi tệ như họ nghĩ (vì họ quá chú ý đến thông tin bất lợi). Ngoài ra, sợ hãi khiến NĐT chần chừ không dám mạo hiểm, làm vuột mất cơ hội hoặc bán ra khi giá chỉ mới tăng nhẹ, trong khi có nhiều khả năng sẽ tăng cao.
Còn lòng tham thường khiến NĐT không bán ra cổ phiếu khi giá ở vùng đỉnh, thậm chí liên tiếp mua thêm khi giá đã tăng cao, mà không nhìn thấy những nguy cơ tiềm ẩn, những mặt trái hoặc đánh giá thấp chúng. Bên cạnh đó, lòng tham thúc đẩy NĐT liên tục mua bán nhằm kiếm lời nhanh, trong khi đầu tư trung và dài hạn sẽ mang lại cơ hội lợi nhuận lớn hơn.
Tất nhiên, NĐT sẽ rút ra được kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, nhưng cái giá phải trả nhiều khi là rất đắt. Không chỉ mất phần lớn vốn đầu tư, mà sức khoẻ của họ bị tổn hại, công việc bị ảnh hưởng, khi suốt ngày dán mắt vào bảng điện tử và để cho cảm xúc "nhảy múa" theo biến động giá chứng khoán.
Do đó, nếu rơi vào tình trạng trên, NĐT nên tìm hiểu vì sao mình lại chịu sự dẫn dắt của cảm xúc mà không biết. NĐT cần hiểu rõ nguyên nhân và tình huống tạo ra những cảm xúc đó, phân biệt được cảm xúc nào tốt và có ích, cảm xúc nào không tốt và có hại. Từ đó quản lý cảm xúc, tìm cách khống chế, thậm chí là điều khiển cảm xúc của mình. Có như vậy, hành vi đầu tư mới tuân theo suy nghĩ lý tính, logic và mang lại kết quả tốt.