Trong khi đó, các nhà sản xuất của khu vực có thể được cứu trợ trong những tháng tới từ các biện pháp kích thích mạnh mẽ được chính quyền Trung Quốc công bố trong tuần qua, bao gồm việc hạ lãi suất và bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng.
Hoạt động sản xuất tại Nhật Bản đã giảm vào tháng 9, làm nổi bật nhu cầu yếu trên toàn cầu đang ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu châu Á.
Trong một dấu hiệu cho thấy hậu quả ngày càng lan rộng từ sự tăng trưởng chậm lại của Mỹ, tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc đã chậm lại vào tháng 9 với các lô hàng đến nền kinh tế lớn nhất thế giới hầu như không tăng trưởng.
Tại Trung Quốc, các nhà máy đã phải chật vật để đạt được tiến triển, với chỉ số sản xuất toàn cầu Caixin/S&P được công bố vào thứ Hai (30/9) cho thấy sự sụt giảm xuống còn 49,3 vào tháng 9 từ mức 50,4 của tháng trước, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023.
Bức tranh tương tự cũng diễn ra ở Nhật Bản, quốc gia đang dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tiêu dùng giảm sút. Chỉ số PMI của Nhật Bản đã giảm xuống 49,7 vào tháng 9 từ mức 49,8 vào tháng 8, ghi nhận sự suy giảm trong tháng thứ ba liên tiếp.
Khảo sát PMI của Nhật Bản cho thấy "xu hướng trầm lắng trên toàn ngành sản xuất", Usamah Bhatti, nhà phân tích tại S&P Global Market Intelligence cho biết.
PMI của Đài Loan (Trung Quốc) ở mức 50,8 vào tháng 9, giảm từ mức 51,5 vào tháng 8. Hoạt động sản xuất đã giảm ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, các nền kinh tế châu Á sẽ hạ cánh mềm khi lạm phát giảm tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Tăng trưởng trong khu vực được dự đoán sẽ chậm lại từ 5% vào năm 2023 xuống còn 4,5% trong năm nay và 4,3% vào năm 2025.