Hoạt động giám sát của Quốc hội còn như “dạo quanh phố phường“

Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, tại Kỳ họp thứ 10, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay. “Hoạt động giám sát cần thực chất hơn nữa”, ông Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Ông Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ông Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Tại Kỳ họp thứ 10, đại biểu Quốc hội sẽ “soi” lại các hoạt động giám sát chuyên đề được thực hiện từ đầu nhiệm kỳ. Ông đánh giá thế nào về hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát tái cơ cấu đầu tư công?

Chính phủ đã tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công. Việc tổng hợp, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 được quản lý theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn. Các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, thẩm định nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và vốn trái phiếu chính phủ trước khi phê duyệt quyết định đầu tư.

Trong bố trí vốn kế hoạch hàng năm, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, sắp xếp danh mục công trình, dự án theo mục tiêu ưu tiên đầu tư, tập trung bố trí vốn cho dự án đã hoàn thành, bàn giao, đi vào sử dụng, dự án chuyển tiếp, đang triển khai dở dang, dự án trọng điểm, cấp bách, có hiệu quả, có sức lan tỏa lớn, dự án có khả năng hoàn thành trong năm kế hoạch; bố trí hoàn trả vốn ứng trước; hạn chế tối đa việc khởi công dự án mới.

Qua giám sát, Quốc hội thấy rằng, Chính phủ đã quản lý chặt chẽ hơn việc bố trí vốn đầu tư, kiểm soát tốt hơn việc tạm ứng vốn và nợ đọng xây dựng cơ bản… Tuy nhiên, cần phải có thời gian để khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải và nợ đọng xây dựng; việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm.

Kết quả giám sát tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì sao, thưa ông?

Trong nhiệm kỳ XIII, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung rất nhiều luật liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh như Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; các luật thuế; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh… Trên cơ sở này, Chính phủ ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ cơ chế chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để DNNN hoạt động bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Về cơ bản các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã thực hiện đề án tái cơ cấu, trong đó tập trung hoàn thiện các quy định về quản lý và kiểm soát nội bộ; sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Mặc dù từ năm 2014 đến nay mới cổ phần hóa được 237/432 DNNN theo mục tiêu đã đặt ra, song tôi cho rằng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa phục hồi thì kết quả này cũng rất khích lệ.

So với đầu tư công, DNNN, thì ngân hàng được coi là lĩnh vực tái cơ cấu thành công nhất. Thưa ông, kết quả giám sát đánh giá thế nào?

Triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đến nay đã giảm được 17 ngân hàng yếu kém, số còn lại đã được kiểm soát và xử lý một bước; công tác quản trị và tổ chức bộ máy, mạng lưới được củng cố, chấn chỉnh; mức độ an toàn của hệ thống được cải thiện.

Điều đáng nói là, về cơ bản, không còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng; hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng được cơ cấu lại theo hướng tập trung vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên, giảm dần cho vay lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, tài chính; chấm dứt hoạt động huy động cho vay vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản; sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng từng bước được xử lý.

Xử lý nợ xấu cũng là điểm sáng trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Trong mấy kỳ họp gần đây, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp kiểm soát, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đi đôi với hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311.100 tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012. Trong đó, riêng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua trên 200.000 tỷ đồng nợ xấu, góp phần đưa nợ xấu tính đến cuối tháng 8/2015 chỉ chiếm 3,2% tổng dư nợ.

Chất lượng giám sát ra sao khi nhiều khi đoàn giám sát chỉ “nghiên cứu” báo cáo, còn việc đi thực tế, khảo sát chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”?

Quốc hội có 9 ủy ban và Hội đồng Dân tộc, vì thế khi giám sát lĩnh vực nào thì ủy ban đó chủ trì, đồng thời có sự tham gia của đại diện các ủy ban khác là những chuyên gia có chuyên môn,kinh nghiệm. Chưa kể, trong đoàn giám sát ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành liên quan và các chuyên gia có kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực giám sát, nên chất lượng báo cáo giám sát đáng tin cậy.

Tuy nhiên, do thời gian giám sát ngắn, khi đi khảo sát thực tế, nhiều người nói vui là đoàn giám sát “dạo quanh phố phường, dạo quanh thị trường”. Hy vọng những hạn chế đó sẽ được khắc phục khi Quốc hội thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại Kỳ họp thứ 10.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục