“Chất lượng kiểm toán trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII từng bước được nâng cao, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và nâng cao hiệu lực, minh bạch quản lý tài chính, tài sản công...”, Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho hay, khi trình bày Báo cáo của Tổng kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tại phiên họp Quốc hội diễn ra chiều nay (22/3).
Cũng theo ông Vạn, trong nhiệm kỳ qua, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng; giúp các đơn vị được kiểm toán từng bước khắc phục việc lập, giao dự toán ngân sách hàng năm chưa sát thực tế, bố trí vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn; hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, tài sản công thông qua việc kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản.
Việc phát hiện xử lý tài chính và kiến nghị sửa đổi các cơ chế thông qua hoạt động kiểm toán nhà nước đã góp phần tích cực vào phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 54 bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và Đại biểu Quốc hội để phục vụ kiểm tra, giám sát; chủ động chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ.
Về kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã tăng cường phối hợp với Bộ Tài chính và thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán như: Xây dựng và áp dụng phần mềm theo dõi; đối chiếu kết quả thực hiện tăng thu, giảm chi NSNN tại một số bộ, ngành, địa phương..., nên kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đã có chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước, nhưng vẫn chưa đảm bảo so với yêu cầu đề ra.
Tổng hợp kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước từ năm 2011- 2014 cho thấy, các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện xử lý tài chính 51.625 tỷ đồng, bằng 65% kiến nghị hợp lý; sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế 146 văn bản và nhiều văn bản khác đang được các đơn vị tổ chức thực hiện.
Ông Vạn cũng thẳn thắng chỉ ra những hạn chế như: Quy mô kiểm toán hàng năm tuy đã được mở rộng, tăng nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc đổi mới phương pháp kiểm toán, chất lượng kiểm toán còn hạn chế; kết quả kiểm toán chưa chú trọng phân tích sâu, đánh giá hiệu lực, hiệu quả các chính sách...
“Đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên còn thiếu về số lượng và chất lượng không đồng đều, theo Chiến lược phát triển đến năm 2015, Kiểm toán Nhà nước cần 2.600 người nhưng đến nay mới được giao 1.974 biên chế...”, ông Vạn cho hay.
Để đảm bảo tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước, ông Vạn đề nghị trên cơ sở Kế hoạch kiểm toán hàng năm đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến định hướng, Kiểm toán Nhà nước xây dựng và ban hành, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc Chính phủ rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra có liên quan nhằm hạn chế sự trùng lắp, chồng chéo...
Kết quả thẩm tra Báo cáo của Tổng kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII của Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội cho thấy, chất lượng Báo cáo kiểm toán của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước hàng năm chưa cao, một số kết luận còn chưa sát với thực tế, thiếu bằng chứng thuyết phục nên dẫn đến có những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước không được thực hiện do các đơn vị, địa phương được kiểm toán chưa nhất trí với kết quả kiểm toán.
“Trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ kiểm toán cần tiếp tục được nâng lên, nhất là đối với một bộ phận chưa thật đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, còn để một số cán bộ vi phạm kỷ luật và pháp luật của nhà nước...”, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay.