Hoang mang bắt đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giữa tháng 10, VN-Index tưởng chừng sẽ ổn định khi lùi về gần 1.000 điểm, nhưng rồi đến nay có thêm 2 đáy mới đã trở thành ngưỡng kháng cự. Thị trường tiếp tục lao dốc, không ít mã cổ phiếu giảm giá rất sâu, khiến nhiều nhà đầu tư bắt đáy hoặc mua bình quân giá hoang mang.
Ở lần điều chỉnh này, mức giảm của thị trường chứng khoán đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của nhiều nhà đầu tư. Ở lần điều chỉnh này, mức giảm của thị trường chứng khoán đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của nhiều nhà đầu tư.

Áp lực từ nhóm bất động sản

“Khi thị trường có tín hiệu xấu đi một chút là nhiều nhà đầu tư có tâm lý cứ bán đã, có thể họ tính sẽ mua lại giá thấp sau. Xu thế này đã hình thành và bây giờ tin tốt thì thị trường phản ứng ít, còn tin xấu lại phản ứng mạnh”, ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Đầu tư, Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội nhận xét.

Theo ông Bình, tâm lý này hình thành khi hội tụ nhiều yếu tố, từ lo ngại về tình trạng trái phiếu doanh nghiệp, đến khó khăn của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Ở thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chưa tìm được điểm cân bằng khi phần lớn nhà đầu tư vẫn đang hoang mang trong việc nhìn nhận thị trường.

Dù đa số cổ phiếu được đánh giá hấp dẫn, nhưng bên mua vẫn có tâm lý chờ đợi giá giảm thêm, còn với những người đang gồng lỗ (“ôm” cổ phiếu) thì hầu như không có nguồn để mua thêm.

Diễn biến dòng tiền cho thấy, lực cung thường xuyên áp đảo lực cầu từ tất cả các chủ thể tham gia thị trường. Khối ngoại bán ròng hơn 4.600 tỷ đồng trên cả 3 sàn kể từ tháng 9 tới nay, trước tình trạng căng thẳng của tỷ giá và động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong khi đó, khối tổ chức trong nước gặp áp lực thanh toán các khoản gốc và lãi trái phiếu khi hạn mức tín dụng hạn chế và kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp có các quy định chặt chẽ hơn.

Với khối nhà đầu tư cá nhân, dòng tiền từ nhóm này về cơ bản không đủ lớn để dẫn dắt thị trường khi VN-Index vẫn đang dò đáy, các nhịp hồi phục rất ngắn, khiến cơ hội đầu tư trở nên khan hiếm.

Giai đoạn hiện nay có hiện tượng bán giải chấp với khối lượng lớn tại nhóm cổ phiếu bất động sản.

Đặc biệt, giai đoạn này ghi nhận hiện tượng bán giải chấp với khối lượng lớn tại nhóm cổ phiếu bất động sản, liên quan tới ban lãnh đạo doanh nghiệp. Tổng hoà các yếu tố trên, dòng tiền sẵn sàng để mua hiện tại khá nhỏ so với lực cung bán ra, theo đó, thị trường có thể tiếp tục giảm điểm trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Khánh, một nhà đầu tư lâu năm cho biết, khủng hoảng trên thị trường chứng khoán không lần nào giống lần nào, có những giai đoạn, nhà đầu tư chỉ cần gồng mình chịu đựng một thời gian là thị trường dần hồi phục. Nhưng ở lần điều chỉnh này, mức giảm đã vượt ngưỡng chịu đựng của nhiều nhà đầu tư khi hầu hết cổ phiếu giảm giá trên 50%, thậm chí có những mã bluechips giảm tới 80% so với đỉnh.

“Bản thân tôi có 500.000 cổ phiếu HPG mua từ lúc giá 3x (trên 30.000 đồng/cổ phiếu), khi giá xuống 2x thì mua thêm 100.000 cổ phiếu vì nghĩ đây là đáy, rồi tiếp tục mua thêm 100.000 cổ phiếu ở vùng giá 15.000 - 16.000 đồng/cổ phiếu, với niềm tin giá không thể rẻ hơn. Vậy mà không ngờ, giá ngày 10/11 lại về gần 12.000 đồng/cổ phiếu. Tôi vẫn còn tiền nhưng không mua thêm, vì không biết đâu là đáy”, ông Khánh chia sẻ.

Thanh khoản bình quân toàn thị trường từ đầu tháng 11 đến nay là 11.500 tỷ đồng/phiên, chỉ bằng một phần ba so với giai đoạn đầu năm 2022. Về điểm số, VN-Index hiện có mức giảm 36% so với đầu năm và là chỉ số giảm mạnh nhất trên thế giới. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ chỉ giảm 10% (chỉ số Dow Jones), thị trường chứng khoán châu Âu giảm 13,8%, thậm chí một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á tăng điểm như Indonesia tăng 6,1%, Singapore tăng 1,8%, còn thị trường Thái Lan giảm nhẹ 2,1%.

Thực tế, xu hướng chủ đạo của chứng khoán thế giới thời gian vừa qua là giảm điểm, nhưng không sốc như ở thị trường Việt Nam. Bối cảnh thị trường trong nước hiện nay là dòng tiền cạn kiệt, chi phí vốn tăng sau động thái nâng lãi suất điều hành lần thứ hai của Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp gặp khó khăn ở kênh trái phiếu. Từ nay đến cuối năm, nút thắt thanh khoản được nhận định là vấn đề khiến nhà đầu tư quan tâm hơn là diễn biến của VN-Index hay hệ số định giá P/E.

Riêng nhóm cổ phiếu bất động sản, sau một số phiên “nằm sàn” la liệt, thị giá nhiều mã đang ở mức rất hấp dẫn khi dựa trên so sánh tương quan chung của thị trường, cũng như dựa trên giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Nhưng trong phiên thị trường chung tăng điểm cuối tuần qua nhờ tâm lý nhà đầu tư được củng cố từ việc thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng, nhóm cổ phiếu địa ốc vẫn lao dốc. Vì thế, giá rẻ vẫn chưa chắc đã là đáy nếu nhà đầu tư tiếp tục phản ứng tiêu cực bằng cách xả hàng trong bối cảnh động thái giải chấp từ khối công ty chứng khoán tiếp diễn.

Ông Lâm Gia Khang, phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VietinBank đánh giá, trong giai đoạn hiện nay, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán rất yếu.

Ngoài rủi ro cạnh tranh với kênh tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại, thị trường còn đứng trước lực bán gia tăng khi nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản tiến hành bán cổ phiếu để mua lại trái phiếu trước hạn.

Bên cạnh đó, diễn biến giảm điểm của thị trường khiến nhà đầu tư hạn chế sử dụng giao dịch ký quỹ (margin), đồng thời số lượng tài khoản mở mới theo tháng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

“Ở những giai đoạn trước, khi thị trường “co thắt” mạnh thường báo tín hiệu dòng tiền lớn tham gia và trạng thái hồi phục ngắn sẽ diễn ra sau đó. Tuy nhiên, ở đợt điều chỉnh lần này, kịch bản điều chỉnh thêm vẫn cần phải tính đến”, ông Khang nói.

Xác định rõ mục tiêu

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank khuyến nghị, nếu giải ngân giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư cần xác định rõ mục tiêu chiến thắng thị trường, hay sinh lời nhanh trong ngắn hạn. Đối với mục tiêu thứ nhất, nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ, ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ nên được ưu tiên lựa chọn.

“Một số cổ phiếu tôi nhắm đến như cổ phiếu đầu ngành thuộc nhóm dược phẩm, điện, thực phẩm, công nghệ. Đây là những cổ phiếu trong giai đoạn vừa qua bị ảnh hưởng bởi thị trường chung và mặt bằng giá đã về vùng hấp dẫn, kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng ổn định. Đối với mục tiêu sinh lời nhanh trong ngắn hạn, chúng ta cần chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn. Với cá nhân mình, tôi lựa chọn cổ phiếu trong nhóm VN30, có mức giảm từ đỉnh cao nhất, hoặc những cổ phiếu đang bị ảnh hưởng bởi lực bán giải chấp. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần thận trọng khi giải ngân, không nên bắt đáy, mà chỉ nên mua khi có tín hiệu rõ ràng, ví dụ giá hồi phục khoảng 10 - 20%”, ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, với cổ phiếu giảm giá 70 - 80% trong ngắn hạn thì bỏ lỡ 10 - 20% mức hồi phục ban đầu vẫn là cơ hội đầu tư tiềm năng và việc xuống tiền mua cổ phiếu khi đã xác nhận được xu hướng hồi phục sẽ an toàn hơn so với việc bắt đáy.

Trong góc nhìn nhà đầu tư, ông Khánh cho rằng, nhà đầu tư đang quan tâm đến câu chuyện về thanh khoản, tức là sự gia tăng hay thu hẹp của dòng tiền. Chừng nào nút thắt thanh khoản được gỡ bỏ, cơ hội bắt đáy hay chiến thắng thị trường sẽ đến. Hiện tại, đứng ngoài quan sát cũng là một chiến lược hợp lý. Việc bắt đáy hay lướt sóng lúc thị trường khó khăn có xác suất chọn sai cổ phiếu khá cao, hoặc hiệu quả thấp.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm thiết yếu như điện, nước sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn. Ngoài ra, Quy hoạch Điện VIII dự kiến được thông qua trong năm 2023 sẽ tạo động lực tăng trưởng cho ngành điện.

“Các nhà đầu tư mạo hiểm cũng có thể cân nhắc tham gia vào cổ phiếu bất động sản có nền tảng tài chính lành mạnh (tỷ lệ nợ vay tài chính/vốn chủ sở hữu dưới 1), có quỹ đất sạch và vô tình bị cuốn vào nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường”, ông Khang nói.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục