Hoàng Anh Gia Lai (HAG): "Rừng mơ" còn ở phía trước!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liên tục công bố các mục tiêu nhiều tham vọng, nhưng tình hình nợ vay của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) không phải là bức tranh tích cực.
Từ khi chuyển đổi sang lĩnh vực nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai đã nhiều lần thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng Từ khi chuyển đổi sang lĩnh vực nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai đã nhiều lần thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng

Liên tục có “câu chuyện” mới

Sau giai đoạn điều chỉnh cùng thị trường chung từ đầu tháng 9/2023, từ ngày 18/10 - 14/11/2023, cổ phiếu HAG đã ghi nhận mức tăng 16,9%, từ 7.700 đồng/cổ phiếu lên 9.000 đồng/cổ phiếu, tiệm cận vùng đỉnh xác lập trong tháng 8/2023. Đà hồi phục của cổ phiếu HAG diễn ra trong bối cảnh Công ty vừa thông báo ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank).

Dù vậy, câu chuyện hợp tác toàn diện với LPBank mới ở giai đoạn khởi đầu. Ngoại trừ việc đổi tên Học viện và Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (gắn thêm thương hiệu LPBank), đến nay, chưa có thỏa thuận cấp hạn mức tín dụng hay khoản vay cụ thể nào được hai bên chia sẻ.

Trong lịch sử hoạt động, Hoàng Anh Gia Lai liên tục tạo ra các “câu chuyện kỳ vọng” cho nhà đầu tư. Năm 2012, Công ty đã quyết định từ bỏ lĩnh vực kinh doanh lõi là bất động sản và đầu tư 100 triệu USD vào trồng mía, đồng thời thực hiện hàng loạt dự án trồng cây cao su… Khi ấy, ông Đoàn Nguyên Đức, người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai công bố mục tiêu tham vọng với cây cao su và tuyên bố “dù bán nhà cũng trồng cao su”. Tới năm 2014, doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai đã dịch chuyển khi nhóm nông nghiệp gồm mía đường, bán bắp, mủ cao su ghi nhận doanh thu 1.473,3 tỷ đồng, chiếm 48% tổng doanh thu.

Khi cây cao su không mang lại hiệu quả kinh doanh như kỳ vọng (do giá mủ cao su trên thị trường thế giới rớt thê thảm, năng suất trồng không cao), thậm chí tạo gánh nặng nợ nần cho doanh nghiệp, tới tháng 6/2014, Hoàng Anh Gia Lai bước vào lĩnh vực chăn nuôi, với kế hoạch phát triển đàn bò hàng trăm nghìn con ở cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Ông Đức từng tuyên bố trước cổ đông: “Mỗi ngày, Hoàng Anh Gia Lai thu về khoảng 1 tỷ đồng từ… phân bò”. Năm 2016, Công ty báo cáo doanh thu từ chăn nuôi bò lên tới 3.465 tỷ đồng, chiếm 54% tổng doanh thu. Ngược lại, lĩnh vực mía đường, bán bắp, mủ cao su chỉ ghi nhận 718,63 tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu năm đó.

Vậy nhưng, ngay năm sau, năm 2017, mảng chăn nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai bị thu hẹp và doanh nghiệp công bố chuyển dịch sang lĩnh vực trồng cây ăn trái. Thời điểm đó, ông Đoàn Nguyên Đức từng kỳ vọng trái chanh leo sẽ tạo sự đột biến cho Công ty và thâm nhập thị trường Trung Quốc, bên cạnh thanh long và chuối.

Năm 2018, doanh thu bán trái cây của Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận hơn 2.897 tỷ đồng (chiếm 53,8% tổng doanh thu), trong khi doanh thu nuôi bò chỉ đạt 126,83 tỷ đồng (chiếm 2% tổng doanh thu). Nhưng tới năm 2020, doanh thu mảng trái cây còn hơn 2.283 tỷ đồng, giảm 21,2% so với năm 2018, đồng thời mảng chăn nuôi bò không đóng góp doanh thu.

Sau con bò, Hoàng Anh Gia Lai lại nuôi tham vọng với “heo ăn chuối”. Thời điểm dịch chuyển sang lĩnh vực chăn nuôi heo, ông Đức khẳng định, “Hoàng Anh Gia Lai đã sang trang mới và tỷ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp không hề thấp”.

Ông Đức cho biết, ông đã mất ngủ khi có được công thức chế biến thức ăn từ chuối giúp heo mau lớn. Sau nhiều năm vật lộn với trồng cây gì, nuôi con gì và chìm trong nợ nần, ông đã tìm ra con đường sáng trong kinh doanh. Năm 2022, doanh thu bán heo của Công ty ghi nhận 1.697,2 tỷ đồng, chiếm 33,2% tổng doanh thu; doanh thu bán trái cây ghi nhận 2.241 tỷ đồng, chiếm 43,9% tổng doanh thu.

Đầu năm nay, Công ty đặt mục tiêu đưa ra thị trường 20 triệu con gà đi bộ ăn chuối, 1 triệu con heo ăn chuối, đồng thời phát triển mạnh thương hiệu Bapi Food - Heo ăn chuối với trên dưới 1.000 cửa hàng, trong đó 80% nhượng quyền. Tuy nhiên, đến nay, Công ty không còn đề cập tới “gà đi bộ ăn chuối”. Còn thương hiệu Bapi Food - Heo ăn chuối liên tục thua lỗ, Công ty phải đóng cửa gần 150 trên 200 cửa hàng vào thời điểm cuối tháng 8/2023.

Sau khi dừng nuôi gà, thu hẹp chuỗi bán lẻ thịt heo, Hoàng Anh Gia Lai lại tập trung vào “câu chuyện mới” là trồng sầu riêng. Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức một lần nữa chia sẻ, “sầu riêng mới là mỏ vàng của tương lai”.

Vấn đề lớn nhất là nợ vay

Tại thời điểm cuối quý III/2023, Hoàng Anh Gia Lai có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 7.778,8 tỷ đồng, bằng 140,3% vốn chủ sở hữu.

Chưa biết sau nhiều lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liệu cây sầu riêng có “cắm rễ sâu” trong chiến lược hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai hay không. Điều này cần thời gian trả lời, nhưng trước mắt, doanh nghiệp đang phải đối mặt với vấn đề lớn là áp lực nợ vay cũng như thanh toán các khoản nợ quá hạn.

Báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai cho thấy, tại ngày 30/9/2023, Công ty chậm thanh toán cả gốc và lãi của mã trái phiếu HAGLBOND16.26 lên tới 4.027,59 tỷ đồng. Lý do được Công ty đưa ra là chưa thu hồi được khoản nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (hiện đã đạt được thỏa thuận lộ trình trả nợ ba bên) và việc thanh lý tài sản không sinh lợi mới thực hiện được một ít, chưa đủ trả lãi và gốc trái phiếu.

Tại thời điểm cuối quý III/2023, Hoàng Anh Gia Lai có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 7.778,8 tỷ đồng, bằng 140,3% vốn chủ sở hữu. Ngược lại, quỹ tiền mặt chỉ còn 62,3 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng tài sản. Chi phí lãi vay 9 tháng đầu năm 2023 là 678 tỷ đồng (cùng kỳ 553,2 tỷ đồng).

Thực tế, từ năm 2022 tới nay, Công ty liên tục tăng vốn điều lệ nhưng không thành. Trong đó, sau khi huỷ kế hoạch chào bán 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2022, với giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động gần 1.700 tỷ đồng, tới ngày 26/9/2023, Công ty thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về kế hoạch chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.300 tỷ đồng.

Số vốn này, Công ty dự kiến sử dụng 323 tỷ đồng thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu phát hành ngày 18/6/2022, có mã trái phiếu HAG 2012.300; 277 tỷ đồng để cơ cấu lại các khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho công ty con là Công ty cổ phần Gia súc Lơ Pang; 700 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai. Tới thời điểm này, kế hoạch phát hành riêng lẻ vẫn chưa có chuyển động mới.

Với thực trạng tài chính như vậy, việc ký kết thỏa thuận hợp tác với LPBank ít nhiều tạo kỳ vọng cho giới đầu tư về việc Hoàng Anh Gia Lai có thể giải quyết bài toán thanh khoản cũng như triển khai kế hoạch sản xuất – kinh doanh mới. Tuy vậy, đến nay, chưa rõ kế hoạch hợp tác cụ thể giữa hai bên ra sao.

Ngay cả khi hai bên có hợp tác thiết thực, cụ thể, một rủi ro lớn vẫn luôn thường trực với doanh nghiệp nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, đó là biến động thất thường của hàng hóa nông sản. Cú “đổ nợ” với cây cao su (vì mủ cao su lao dốc), chăn nuôi heo cũng thu hẹp (vì giá heo rớt mạnh) là những ví dụ tiêu biểu về rủi ro khi tham gia vào mảng nông nghiệp của doanh nghiệp này. Trái sầu riêng cũng không đứng ngoài rủi ro giá cả trồi sụt, nhất là khi phong trào trồng sầu riêng trong nước đang phát triển rất nóng.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục