Hoàn thiện thể chế pháp lý về quản lý nợ công

0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), Việt Nam vẫn phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý về quản lý nợ công, trong đó có Cơ quan Quản lý nợ công (DMO).

Thưa ông, trên những khía cạnh nào, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế quản lý nợ công tốt nhất trong những năm gần đây?

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).

Tỷ lệ nợ nước ngoài giảm xuống, nợ trong nước tăng lên; kỳ hạn vay nợ tăng lên, trong khi lãi suất giảm xuống. Đặc biệt, cho đến nay, Việt Nam đã thanh toán đầy đủ, đúng hạn cả gốc lẫn lãi tất cả khoản nợ đến hạn.

Từ những kết quả này, cộng với việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển, nên các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng định mức tín nhiệm với Việt Nam. Gần đây nhất, cuối tháng 5/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”.

Việc tổ chức S&P nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Trước đó, vào cuối tháng 3/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức BB, triển vọng “Tích cực” đối với Việt Nam.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao Việt Nam là điều rất đáng ghi nhận, nhưng để nâng hạng tín nhiệm quốc gia từ Ba3 (đối với Moody’s) hoặc BB (đối với S&P và Fitch) trở lên vào năm 2030 theo Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 412/QĐ-TTg (ngày 31/3/2022) thì cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Riêng lĩnh vực quản lý nợ công phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, nghiên cứu mô hình quản lý nợ công cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể thì mục tiêu đặt ra cho việc quản lý nợ công từ nay đến năm 2030 là gì, thưa ông?

Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã yêu cầu phải hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các chính sách, công cụ, bộ máy quản lý nợ công để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công. Sau năm 2020, nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ quan quản lý nợ công theo mô hình phù hợp.

Thực hiện chủ trương này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 460/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030, yêu cầu quản lý nợ công chặt chẽ là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị sử dụng vốn; nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, vai trò chủ động của ngân sách địa phương. Việc huy động vốn phải tính toán kỹ lưỡng trong khả năng trả nợ của từng cấp ngân sách, từng đối tượng vay vốn; bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ và Hệ số tín nhiệm quốc gia.

Để quản lý nợ công đạt các mục tiêu đã đặt ra, cần phải có Cơ quan Quản lý nợ công (DMO) phù hợp. Bộ Tài chính đã nghiên cứu vấn đề này chưa?

Chúng tôi hợp tác và nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bắt đầu nghiên cứu mô hình DMO các nước trên thế giới.

Trên thế giới, mô hình DMO của các nước không có sự thống nhất. Có nước, DMO trực thuộc Bộ Tài chính; có nước, DMO thuộc Bộ Tài chính, nhưng hoạt động tương đối độc lập (tương tự như kho bạc); có nước, DMO trực thuộc Chính phủ hoặc ngân hàng trung ương, nhưng có nước, DMO lại hoạt động khá độc lập. Dù tổ chức theo mô hình nào thì mục tiêu chính của DMO là đảm bảo đáp ứng được nhu cầu huy động vốn và các nghĩa vụ thanh toán của chính phủ với chi phí thấp nhất có thể trong trung đến dài hạn, phù hợp với rủi ro ở mức độ cẩn trọng…

Nói chung, công tác quản lý nợ công phải bao quát được những nghĩa vụ tài chính mà chính phủ kiểm soát, thậm chí nhiều nước còn giao nhiệm vụ cho DMO chịu trách nhiệm phát triển thị trường tài chính trong nước.

Như vậy, mục tiêu quản lý nợ công của Việt Nam cũng tương đồng với thông lệ quốc tế, đó là tổ chức huy động vốn vay đáp ứng nhu cầu của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ với chi phí vay hợp lý, phù hợp với mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo khả năng trả nợ; duy trì các chỉ số nợ công, nợ chính phủ ở mức an toàn, kiểm soát đối với nợ nước ngoài, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước; gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Vậy theo ông, Việt Nam nên tổ chức DMO theo mô hình nào?

Đây là vấn đề phức tạp. Theo các chuyên gia của WB và IMF, trên thế giới không có mô hình DMO chuẩn. Nhưng dù DMO được tổ chức thế nào, thì cũng phải xây dựng và thực hiện một chiến lược quản lý nợ cho chính phủ, nhằm huy động được số vốn cần có ở mức chi phí thấp nhất có thể trong trung đến dài hạn, phù hợp với rủi ro ở một mức độ cẩn trọng; đồng thời cũng nhằm thực hiện các mục tiêu quản lý nợ công khác mà chính phủ có thể đặt ra, ví dụ phát triển, duy trì một thị trường trái phiếu chính phủ hiệu quả.

Các chuyên gia IMF, WB cũng khuyến cáo, dù DMO có tổ chức theo mô hình nào đi chăng nữa, thì hoạt động của cơ quan này phải thật minh bạch. Bởi hiệu quả quản lý nợ có thể được cải thiện nếu công chúng được biết về mục tiêu và công cụ chính sách. Minh bạch mới có thể tăng cường quản trị tốt thông qua nâng cao trách nhiệm giải trình của Bộ Tài chính, DMO, ngân hàng trung ương và các bên có tham gia vào các nghiệp vụ quản lý nợ.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục