Hoàn thiện pháp luật về tội phạm công nghệ cao

Trước tình hình tội phạm công nghệ cao ngày một phát triển ở cả số lượng và tính chất nguy hiểm, việc hoàn thiện quy định pháp luật liên quan là vô cùng cần thiết.

Kinh nghiệm quốc tế

Công ước của Hội đồng châu Âu về tội phạm mạng (Công ước Budapest) phân chia tội phạm mạng thành 4 nhóm: các tội phạm chống lại tính bí mật, toàn vẹn và sẵn có của dữ liệu máy tính và hệ thống máy tính; các tội phạm liên quan đến máy tính; các tội phạm liên quan đến nội dung; các tội phạm xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan.

Theo Công ước Budapest, các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo pháp nhân phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện tốt việc giám sát hoặc kiểm soát của cá nhân làm cho tội phạm quy định trong Công ước được thực hiện bởi cá nhân, vì lợi ích của pháp nhân.

Ở nhiều nước, truy tố trách nhiệm hình sự thuộc thẩm quyền của viện công tố. Song tùy cách tổ chức của mỗi nước mà viện công tố được tổ chức ở bộ tư pháp hoặc ở tòa án.

Tại Singapore, Viện Công tố nước này chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước như: các lực lượng cảnh sát, viện kiểm sát, viện công tố trong và ngoài khối ASEAN; Bộ Tư pháp Hoa Kỳ; Lực lượng Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol… trong công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, để duy trì và đào tạo nhân lực, Viện Công tố Singapore luôn tìm kiếm, phát hiện những công tố viên có tố chất, đặc biệt đam mê, am hiểu trong lĩnh vực công nghệ. Từ đó, xây dựng đội ngũ công tố viên phù hợp cho việc xử lý loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, dần hoàn thiện nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành tư pháp quốc gia Singapore.

Một số kiến nghị

Để đáp ứng yêu cầu phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, Việt Nam cần tăng cường xây dựng hệ thống quy định pháp luật vững chắc hơn, phát triển đội ngũ tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Một là, thêm nội dung quy định về trách nhiệm của pháp nhân trong công tác giám sát, kiểm soát cá nhân là tội phạm công nghệ cao. Ở Việt Nam, một hành vi chỉ được coi là tội phạm khi hành vi đó được quy định trong Bộ luật Hình sự. Dựa trên nội dung của Công ước Budapest, quy định cụ thể như sau: pháp nhân phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện tốt việc giám sát hoặc kiểm soát của cá nhân là tội phạm công nghệ cao, được thực hiện bởi cá nhân hành xử theo thẩm quyền của mình vì lợi ích của pháp nhân.

Hai là, xác định loại và giới hạn mức độ hình phạt về tội phạm công nghệ cao trong quy định pháp luật hình sự và phi hình sự đối với người nước ngoài. Theo nghiên cứu của Công ty Adsota ở Hà Nội vào cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 68,72 triệu người dùng Internet và 72 triệu người dùng các nền tảng mạng xã hội.

Năm 2020, khảo sát của Facebook và WARC cho thấy, người dùng Internet ở Việt Nam dành nhiều thời gian cho Internet hơn sau khi Covid-19 bùng phát. Những đối tượng là người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta sử dụng những thiết bị công nghệ cao để lừa đảo, tống tiền người dân hoặc có hành vi làm giả thẻ tín dụng…, nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian qua.

Tình trạng trên làm gia tăng nguy cơ về mất an toàn thông tin, không những gây rủi ro trong việc ứng dụng công nghệ cao vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh - quốc phòng quốc gia. Vì vậy, Việt Nam cần thiết lập những văn bản quy định cụ thể hơn về tội phạm công nghệ cao là người nước ngoài để tránh mâu thuẫn pháp luật quốc tế và hoàn thiện pháp luật quốc gia.

Trong vấn đề này, cần có sự chủ động xây dựng mối quan hệ, hợp tác giữa các quốc gia trong một quy định pháp lý mang tính thống nhất. Ngoài ra, kết hợp vận dụng và triển khai các điều ước quốc tế là điều quan trọng trong hoàn thiện tư pháp nước nhà trước tội phạm công nghệ cao mang tính hội nhập, tiêu biểu như nội dung của Công ước Budapest.

Ba là, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực ngành tư pháp của Việt Nam ngày càng tiệm cận hơn các khu vực phát triển trên thế giới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh chóng, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang dần hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để thích ứng với sự đổi mới của thị trường.

Bên cạnh việc phát triển của công nghệ cao, việc đào tạo nhân lực hiện tại, duy trì và kế thừa trong tương lai cũng cần được quan tâm nhiều hơn; phải nâng cao phẩm chất, trình độ nhận thức và tư duy về thực hiện pháp luật, gồm tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật đối với người thực thi pháp luật nói riêng và cộng đồng người dân nói chung.

Nguyễn Hoàng Nam
Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục