Các yếu tố chưa được xem xét đầy đủ
Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Toà án Nhân dân” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao và Ngân hàng Nhà nước tổ chức, đại diện cho các thành viên của hệ thống ngân hàng, bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc các tổ chức tín dụng (TCTD) đang đối mặt.
Chẳng hạn, cách tính phạt chậm trả lãi theo hợp đồng tín dụng; quy định "người thứ ba ngay tình”; giải quyết tranh chấp theo thủ tục hòa giải đối thoại tại Tòa án; bảo lãnh ngân hàng; đăng ký thay đổi nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm khi chuyển giao khách hàng giữa các chi nhánh; một số vấn đề trong xác định quyền khởi kiện, phạm vi yêu cầu khởi kiện; áp dụng thủ tục rút gọn; liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án; Tài sản bảo đảm, nguồn tiền thu nợ liên quan đến vụ án hình sự; xác định tài sản chung - riêng của vợ chồng trong nghĩa vụ trả nợ; cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số…
Dẫn chứng thêm câu chuyện thực tế, ông Đỗ Quang Phong, Trưởng ban Ban Pháp chế, Agribank cho biết, khi xảy ra tranh chấp và Agribank khởi kiện, một số Tòa án địa phương vẫn từ chối thụ lý hoặc chuyển hồ sơ sang nơi khác, với lập luận rằng thỏa thuận “chưa cụ thể hóa địa điểm Tòa án”. Cách hiểu máy móc này không những làm suy giảm giá trị pháp lý của điều khoản thỏa thuận mà còn mâu thuẫn với bản chất của quyền tự do giao kết hợp đồng.
|
Ông Đỗ Quang Phong, Trưởng ban Ban Pháp chế, Agribank phát biểu tại Hội thảo |
Theo ông Phong, về nguyên tắc, các quy định hiện hành tại Bộ luật Tố tụng dân sự không bắt buộc bên thỏa thuận phải ghi rõ Tòa án nào, mà chỉ yêu cầu có sự thống nhất, trên cơ sở tự nguyện và không trái pháp luật. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể và thống nhất từ phía Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án địa phương hiện đang có nhiều cách hiểu khác nhau khi tiếp nhận và xử lý tranh chấp có điều khoản lựa chọn Tòa án như nêu trên.
“Điều này dẫn đến thực tiễn một số Tòa án từ chối thụ lý hoặc trả đơn khởi kiện với lý do: thỏa thuận vượt quá thẩm quyền lãnh thổ hoặc không xác định rõ ràng Tòa án được chọn. Nhiều vụ án bị đình trệ, kéo dài hàng tháng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ xử lý nợ xấu của Agribank, dù về bản chất, điều khoản thỏa thuận của các bên là hoàn toàn hợp pháp, thể hiện rõ ý chí thống nhất. Cách hiểu này, theo quan điểm của Agribank, là máy móc, cứng nhắc và chưa phản ánh đúng tinh thần tự do thỏa thuận, tôn trọng ý chí hợp pháp của các bên trong giao kết hợp đồng”, ông Phong cho biết.
Cũng theo ông Phong, vấn đề còn ở chỗ cũng với thoả thuận như vậy trong hợp đồng tín dụng cũng rất nhiều toà linh hoạt vẫn chấp nhận hoặc có Toà chấp nhận thỏa thuận chọn Tòa án nơi nguyên đơn (ngân hàng) có trụ sở; nơi khác lại kiên quyết yêu cầu khởi kiện tại nơi cư trú của bị đơn, dù hợp đồng đã có thỏa thuận khác. Điều này khiến Agribank gặp khó khăn trong việc xác định nơi khởi kiện đề hướng dẫn thống nhất trên toàn hệ thống, làm kéo dài quy trình tố tụng và ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong xử lý khoản vay nợ xấu.
“Hay cách tính lãi suất theo thỏa thuận cho vay, cũng gặp những vướng mắc, bởi Tòa án đôi khi chưa xem xét đầy đủ các yếu tố thị trường và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng khi xác định lãi suất, mà có xu hướng áp dụng giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự, gây bất lợi cho TCTD. Việc tính lãi suất phải tuân thủ Luật Các TCTD và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành”, bà Vũ Ngọc Lan, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN nói.
Hướng giải quyết
Theo bà Lan, việc tính lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng được áp dụng quy định của Luật Các TCTD và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự để xác định lãi, lãi suất. Bên cạnh đó, việc mỗi TCTD với mỗi đối tượng khách hàng khác nhau, lịch sử tín dụng cũng như quản lý rủi ro, cung cầu vốn thị trường tại mỗi thời điểm sẽ quyết định và thỏa thuận mức lãi suất không giống nhau. Việc quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng tại hợp đồng tín dụng. Do đó, tòa án khi giải quyết cần xem xét, căn cứ các quy định nêu trên, đảm bảo quyền lợi của các TCTD và các đương sự theo quy định của pháp luật về cho vay của TCTD.
Bà Lan đề xuất: “Tòa án cần nghiên cứu xem xét ghi nhận số tiền thiệt hại của TCTD đến thời điểm xét xử sơ thẩm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của TCTD khi mà nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi, phí của các khoản vay vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, TCTD vẫn đang tiếp tục chịu thiệt hại (số tiền vay chưa thu hồi, số tiền chi phí huy động vốn của TCTD vẫn đang tiếp tục trả)”.
|
Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN chia sẻ tại Hội thảo |
Từ thực tiễn vướng mắc trong quá trình áp dụng các điều khoản thỏa thuận lựa chọn Tòa án tại Agribank, nhằm đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và hiệu quả trong giải quyết tranh chấp dân sự - thương mại phát sinh từ hợp đồng tín dụng, ông Phong kiến nghị, Tòa án nhân dân tối cao ban hành hướng dẫn thống nhất áp dụng Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự. Công nhận hiệu lực của điều khoản thỏa thuận chọn Tòa án nếu được thể hiện rõ ràng, tự nguyện và không trái luật; đồng thời cho phép hiểu rằng cụm từ “Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật” là hợp lệ, không bắt buộc phải ghi cụ thể tên Tòa án.
“Thống nhất áp dụng linh hoạt, tránh từ chối thụ lý chỉ vì lý do hình thức nếu ý chí các bên đã rõ ràng; tạo điều kiện để đương sự bổ sung, làm rõ nơi giải quyết tranh chấp khi cần thiết; Khuyến khích xây dựng án lệ hoặc tổng hợp các bản án điển hình để tạo tiền lệ áp dụng thống nhất trên toàn hệ thống”, ông Phong nói.
Nhấn mạnh về cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ, bà Phương đề xuất Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trước mắt sớm có Nghị quyết hướng dẫn chi tiết quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự về nộp đơn khởi kiện; thu thập và cung cấp chứng cứ; cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử/trực tuyến. Hướng dẫn, áp dụng Tòa án nhân dân các cấp mạnh dạn áp dụng các phương thức tống đạt, thu thập, xác minh chứng cứ… theo phương thức điện tử, trực tuyến. Tăng cường thúc đẩy thực hiện Kế hoạch số 131/KH-TANDTC về chuyển đổi số ngành Tòa án nhân dân, nhất là sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, dành nguồn lực để xây dựng, thực thi Tòa án điện tử.
“Trước mắt tăng cường kết nối liên thông các bộ ngành (Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp…) để khai thác các nền tảng thông tin hiện có và đã được pháp luật công nhận (như việc khai thác các nền tảng số VNeID, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tra cứu thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm…)”, bà Phương nói.
Nhanh, minh bạch và đúng pháp luật
Phát biểu tại hội thảo, ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc NHNN nhận định, việc có một cơ chế giải quyết hiệu quả các tranh chấp tín dụng và xử lý tài sản bảo đảm giúp ngân hàng thu hồi được vốn, từ đó đảm bảo khả năng hoàn trả tiền cho người gửi tiền và tiếp tục cho vay ra thị trường, mang lại lợi ích lớn cho khách hàng và nền kinh tế. Nếu cơ chế xử lý thế chấp hiệu quả, các tổ chức tín dụng có thể đưa ra mức lãi suất cho vay cạnh tranh hơn, góp phần giảm chi phí vốn cho nền kinh tế.
Ông Sơn nhấn mạnh, các tranh chấp và vướng mắc lớn nhất hiện nay chủ yếu liên quan đến các cơ chế về tài sản (thế chấp, xử lý tài sản). Do đó, cần có một cách tiếp cận tổng thể để hoàn thiện các quy định pháp luật về tài sản. Nếu các quy định này được hoàn thiện, các tranh chấp sẽ ít xảy ra hơn, và nếu có, thẩm phán sẽ có đủ cơ sở pháp lý để xử lý hiệu quả hơn. Do đó, việc hoàn thiện luật tài sản không chỉ là yêu cầu cấp thiết để giải quyết các vướng mắc hiện hữu mà còn là động lực quan trọng để tối ưu hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, thúc đẩy dòng vốn và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
“Nếu các quy định pháp luật về tài sản này được hoàn thiện, tôi tin là các tranh chấp sẽ ít xảy ra hơn, nếu có xảy ra thì các thẩm phán cũng sẽ có đủ cơ sở pháp lý để xử lý một cách hiệu quả hơn”, Phó Thống đốc nói.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Ông Nguyễn Văn Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chánh án Toà án Nhân dân tối cao cho biết, sẽ tiến hành rà soát các quy định pháp luật liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Trong quá trình đó, Toà án Nhân dân tối cao rất mong có được sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ với NHNN và Hiệp hội Ngân hàng để cùng nhau trao đổi hướng dẫn, từ đó các áp dụng thống nhất các quy định pháp luật và giải quyết các vụ việc hiệu quả.
“Chúng tôi xác định rằng, giải quyết các vụ án vụ việc nói chung và đặc biệt là giải quyết các án kinh doanh thương mại và đối với loại tranh chấp hợp đồng tín dụng phải giải quyết nhanh chóng, kịp thời, minh bạch, công tâm, chất lượng và đúng pháp luật. Đây là các yêu cầu của Toà án nhân dân tối cao đối với toàn ngành”, ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.