Hoàn thiện hạ tầng giao thông: Tạo tiền đề để Sóc Trăng bứt phá vươn lên

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai sẽ tạo tiền để Sóc Trăng phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong những trung tâm động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tạo động lực phát triển kinh tế toàn vùng

Từ lâu, một trong những trở ngại lớn đối với việc thu hút đầu tư vào Sóc Trăng cũng như các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chính là điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, cảng biển, dịch vụ logistics.

Hệ thống giao thông của tỉnh Sóc Trăng và kết nối liên vùng.
Hệ thống giao thông của tỉnh Sóc Trăng và kết nối liên vùng.

Tuy nhiên, nút thắt này sẽ được tháo gỡ khi tới đây, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông mang tính chiến lược, tạo động lực phát triển cho toàn vùng ĐBSCL được Trung ương triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, hoặc đi ngang qua tỉnh, tạo nên hệ thống kết nối giao thông thông suốt liên vùng.

Cùng với Dự án Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) đang được triển khai đầu tư, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn I có chiều dài 188,2 km (đoạn qua tỉnh Sóc Trăng dài 56,67 km) vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công với tổng mức sơ bộ khoảng 44.691 tỷ đồng.

Bên cạnh các dự án do Trung ương đầu tư tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung huy động các nguồn lực triển khai đầu tư nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng, kết nối các vùng, hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đây là một trong 3 tuyến cao tốc trục ngang trong vùng ĐBSCL, khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, là hành lang vận tải lớn, quan trọng nhất ở trung tâm vùng ĐBSCL, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực.

Đồng thời, đây cũng là tuyến cao tốc kết nối, chuyển tiếp hàng hóa xuất nhập khẩu cho Campuchia khi cảng Trần Đề được đầu tư theo quy hoạch. Dự án Tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn I được chuẩn bị trong năm 2022, dự kiến khởi công xây dựng trong năm 2023.

Song song đó, Dự án Đầu tư cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 (bắc qua sông Hậu, nối liền Trà Vinh với Sóc Trăng) đã được đưa vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận không tiếp tục đề xuất sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản để xây dựng cầu Đại Ngãi, đồng thời chính thức đưa dự án này vào Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, nhiều cơ chế đặc thù cũng được đề xuất để Dự án có thể hoàn thành vào năm 2026.

Dự án Đầu tư cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 là dự án rất quan trọng đối với hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, khi hoàn thành sẽ khai thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải, kết nối giao thương thuận lợi cho các tỉnh duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL, rút ngắn khoảng 80 km so với tuyến Quốc lộ 1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đi TP.HCM, giảm thời gian di chuyển qua 2 phà vượt sông Hậu trên tuyến Quốc lộ 60.

Bên cạnh đó, Dự án Tuyến đường bộ ven biển Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 53,5 km dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025.

Đặc biệt, cảng biển Trần Đề đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL, tiếp nhận tàu tổng hợp, container lên đến 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Danh mục Dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 của quốc gia.

Vị trí quy hoạch xây dựng cảng Trần Đề nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ thuận lợi nhất đến trung tâm ĐBSCL là TP. Cần Thơ cũng như các cảng và đầu mối logistics vùng ĐBSCL đã và đang được đầu tư xây dựng theo các quy hoạch.

Các dự án giao thông trọng điểm chuẩn bị đầu tư nêu trên cùng với các tuyến đường bộ hiện có (Quốc lộ 1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 60) và tuyến đường thủy nội địa chính từ cửa sông Hậu đến Campuchia cùng các hành lang kết nối từ các tỉnh ĐBSCL về sông Hậu ra cửa Trần Đề sẽ đảm bảo hiệu quả cho việc đầu tư, khai thác cảng Trần Đề trở thành cảng đầu mối, cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp của vùng ĐBSCL và các nước lân cận trong tiểu vùng sông Mekong.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông nội tỉnh

Bên cạnh các dự án do Trung ương đầu tư tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung huy động các nguồn lực triển khai đầu tư nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng, kết nối các vùng, hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Cụ thể, tỉnh đã đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Mạc Đĩnh Chi, với tổng mức đầu tư 277 tỷ đồng. Đây là công trình trọng điểm kết nối TP. Sóc Trăng với tuyến đê bao ngăn mặn và đường an ninh quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển Trần Đề, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế ven biển của tỉnh.

Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây, tỉnh Sóc Trăng với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng cũng đã khởi công xây dựng vào tháng 1/2022.

Dự án có chiều dài toàn tuyến 56,678 km đường, khi hoàn thành sẽ tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn kết nối thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và nhất là kết nối giao thông với các tuyến Quốc lộ 1, tuyến Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu để tăng khả năng giao thương giữa Sóc Trăng với các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Tỉnh cũng đã khởi công cầu Nguyễn Văn Linh, cầu Vành Đai II, với tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng, góp phần từng bước đầu tư hoàn thành tuyến đường vành đai, chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông TP. Sóc Trăng theo tiêu chuẩn đô thị loại II.

Ngoài ra, Sóc Trăng cũng đã cho chủ trương thực hiện Đề án Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh 932, 932B, 933, 933B, 934, 936, 939, 939B, các đường vành đai, đường trục đô thị…

Hàng loạt công trình dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng đã và đang chuẩn bị đầu tư xây dựng trên địa bàn sẽ tạo tiền đề quan trọng để Sóc Trăng tăng tốc thu hút đầu tư, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Đặc biệt, việc triển khai tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi cùng với điểm nhấn là đầu tư cảng biển Trần Đề sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là cơ hội để tỉnh Sóc Trăng bứt phá vươn lên, đóng vai trò là một trong những trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL.

Một số dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Trúc Giang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục