Hoàn thành dứt điểm dự án 7.000 tỷ đồng nâng cấp đường sắt Thống Nhất trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà thầu phải triển khai thi công đúng tiến độ, chất lượng và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động chạy tàu tại các gói thầu nâng cấp, cải tạo 200 km tuyến đường sắt Thống Nhất.
Thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp.HCM đoạn qua Hà Nam. Thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp.HCM đoạn qua Hà Nam.

Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT tại lễ ra quân đầu năm Tân Sửu 2021 xây dựng các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Thống Nhất được tổ chức sáng nay (19/2) tại một số gói thầu đi qua địa phận 2 tỉnh: Nam Định và Hà Nam.

Ông Đông cho biết, các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Thống Nhất là những công trình quan trọng, cấp bách được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành hết sức quan tâm, bố trí đủ vốn để triển khai. Do vậy, Ban Quản lý dự án đường sắt và PMU 85 – hai đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết, thực hiện các giải pháp để hoàn thành các dự án trong năm 2021.

“Đây là các dự án nhận được sự kỳ vọng rất lớn cán bộ, công nhân ngành đường sắt trong việc nâng cao năng lực và chất lượng vận tải trên tuyến đường sắt Thống Nhất. Bộ GTVT chia sẻ khó khăn đối với các đơn vị thi công trong việc vừa thi công vừa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu. Tuy nhiên, an toàn và hoàn thành công trình vào năm 2021 là 2 mục tiêu phải được thực hiện bằng được”, ông Đông cho biết và đề nghị các ban quản lý dự án, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để tránh việc thi công làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các nhà thầu đã tích cực, chủ động phân công cán bộ, kỹ sư, công nhân “bám” công trường trong dịp Tết đảm bảo an toàn chạy tàu và triển khai công tác thi công ngay sau kỳ nghỉ Tết.

Được biết, mặc dù ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 và kỳ nghỉ Tết cổ truyền nhưng đã có nhà thầu triển khai ra quân từ ngày mùng 3 Tết (Gói thầu XL-HNV-05 Dự án Hà Nội – Vinh) và đến nay tất cả các nhà thầu đã đồng loạt triển khai thi công trên công trường.

Được biết, các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam trị giá 7.000 tỉ đồng được Bộ GTVT khởi công vào tháng 5/2020 nhằm cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Thời hạn hoàn thành dự án là hết năm 2021.

Các công việc của dự án là: xây mới, cải tạo trên 100 cầu yếu; cải tạo, nâng cấp 30 nhà ga, mở mới 7 ga; cải tạo, nâng cấp hơn 200km đường sắt; gia cố vỏ hầm kết hợp thay thế kiến trúc tầng trên khoảng 10 hầm yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Các dự án hoàn thành sẽ góp phần làm tăng tốc độ chạy tàu, đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m; tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm.

Theo sự phân công của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt được giao làm chủ đầu tư 3 dự án: cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỉ đồng; cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - Tp.HCM tổng mức đầu tư hơn 1.949 tỉ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn tổng mức đầu tư hơn 1.849 tỉ đồng.

Ban Quản lý dự án 85 được giao làm chủ đầu tư dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang tổng mức đầu tư 1.800 tỉ đồng.

Theo ông Mai Minh Việt - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, đến nay 3 dự án mà đơn vị này làm chủ đầu tư đã triển khai toàn bộ các gói thầu xây lắp. Đoạn Hà Nội - Vinh đã cơ bản hoàn thành gói thầu số 2, đoạn Nha Trang - Sài Gòn hoàn thành gói thầu số 15, dự án cải tạo cầu yếu hoàn thành gói thầu số 1.

Hiện Dự án Hà Nội - Vinh đã giải ngân 349,5 tỷ đồng/1.021 tỷ đồng (đạt 34% giá trị xây lắp); Dự án Nha Trang - Sài Gòn đã giải ngân 517,5 tỷ đồng/1.442 tỷ đồng (đạt 36% giá trị xây lắp); Dự án Cầu yếu đã giải ngân 559,1 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng (đạt 37% giá trị xây lắp).

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục