Hoa Sen (HSG) đánh đu với sự trồi sụt về giá nguyên liệu

Lợi nhuận của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG, sàn HoSE) có chiều hướng tăng dần, nhưng thành quả lợi nhuận vẫn rất dễ lung lay trước sự trồi sụt về giá nguyên liệu.
Hoa Sen (HSG) đánh đu với sự trồi sụt về giá nguyên liệu

“Máy in tiền” HSG

Xu hướng phục hồi lợi nhuận của Hoa Sen được thể hiện khá đều kể từ cuối năm 2019 đến nay. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Hoa Sen thời điểm quý IV năm tài chính 2019 đã từng sụt giảm mạnh 48% so với quý trước đó, xuống điểm đáy 83,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số lợi nhuận đang có chiều hướng tăng đều, khi đạt 181,1 tỷ đồng vào quý I năm tài chính 2020 và tiếp tục tăng đạt 201 tỷ đồng trong quý II năm tài chính 2020. Tháng kinh doanh tiếp theo (tháng 4/2020 tính theo năm dương lịch), Hoa Sen cũng đã đạt lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng, chiếm 50% lợi nhuận của cả quý trước đó.

Sự phục hồi đều đặn kết quả lợi nhuận của Hoa Sen khiến cho thị giá cổ phiếu HSG của công ty thép này tăng mạnh, thực sự trở thành “cỗ máy in tiền” cho nhà đầu tư nắm bắt kịp điểm đáy cổ phiếu này. Từ mức giá chỉ khoảng hơn 4.000 đồng/cổ phiếu tại điểm đáy hồi đầu tháng 4/2020, HSG đã tăng mốc trên 11.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 6/2020. Một số phiên gần đây, HSG có rung lắc điều chỉnh, nhưng vẫn ở mức giá khá cao so với 2 tháng trước.

Trong bối cảnh cổ phiếu tăng tốc, các cổ đông nội bộ cũng nhộn nhịp giao dịch cổ phiếu. Cụ thể, hồi cuối tháng 5/2020, bà Hoàng Thị Xuân Hương, em gái Phó tổng giám đốc Hoàng Đức Huy đã bán toàn bộ 7,15 triệu cổ phần HSG do bà này nắm giữ. Tiếp đó, đại cổ đông là Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đăng ký bán 15 triệu cổ phiếu HSG với thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 6 đến đầu tháng 7/2020, mục đích nhằm giải quyết nhu cầu tài chính. Trước giao dịch, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen nắm giữ hơn 108 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 24,3%. Nếu thực hiện bán ra thành công, tỷ lệ sở hữu của Đầu tư Hoa Sen tại HSG sẽ giảm về 20,95% vốn, tương đương hơn 93 triệu cổ phiếu. Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen là công ty của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen.

Một số cổ đông khác cũng bán cổ phiếu, cụ thể ông Lê Đình Hanh, Phó trưởng ban kiểm toán nội bộ bán 85.000 cổ phiếu; em ông Hoàng Đức Huy, Phó tổng giám đốc bán gần 13.000 cổ phiếu.

Tuy nhiên, cá nhân ông Lê Phước Vũ lại đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu và nếu giao dịch thành công thì tỷ lệ cổ phiếu do ông Vũ nắm giữ tăng từ 12,22% lên 16,72%.

Thấp thỏm giá nguyên liệu

Mặc dù có sự phục hồi về lợi nhuận trong khoảng nửa năm trở lại đây, nhưng sự bấp bênh về thị trường vẫn còn hiện hữu với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý II, giá vốn hàng bán của Hoa Sen là 4.702,6 tỷ đồng, giảm khá mạnh so với 6.128,9 tỷ đồng của quý trước đó. Điều này khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng mạnh từ 782,4 tỷ đồng trong quý trước lên 1.075,9 tỷ đồng trong quý II, theo đó đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế quý II năm tài chính 2020.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho biết, giá vốn hàng bán giảm có nguyên nhân từ việc giá nguyên liệu giảm trong giai đoạn đầu năm. 

Giá nguyên liệu giảm, nhưng điều đáng chú ý là tổng giá trị hàng tồn kho của Hoa Sen lại có chiều hướng tăng, đạt 4.994 tỷ đồng so với 4.547 tỷ đồng thời điểm cuối quý I. Con số này cho thấy Hoa Sen đã có xu hướng nhập nguyên liệu vào nhiều trong giai đoạn vừa qua. Theo ông Thanh, lượng hàng đưa về nhiều do thường trong tháng 3 là mùa cao điểm về xây dựng. Đối với Hoa Sen, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, các hoạt động kinh doanh trong nước và xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường mà không bị ảnh hưởng đáng kể.

Về thị trường, nguyên liệu đưa về nhiều có thể giúp doanh nghiệp “vô tình” hưởng lợi nếu trong thời điểm tiếp theo giá nguyên liệu diễn biến theo chiều hướng tăng lên, nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi. Bởi lẽ, thị trường nếu đi xuống thì cũng đồng nghĩa với một kịch bản xấu về kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết, lợi nhuận gộp của Công ty không hoàn toàn phụ thuộc vào giá nguyên liệu, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chi phối khác, chẳng hạn như cơ cấu sản phẩm. Theo đó, cùng một loại nguyên liệu, doanh nghiệp có thể sản xuất các sản phẩm khác nhau và biên lợi nhuận của từng sản phẩm cũng khác nhau rất nhiều.

Hoa Sen đặt mục tiêu sản lượng năm tài chính 2020 đạt khoảng 1,5 triệu tấn, tăng 5.440 tấn so với năm trước. Trong đó, thành phẩm dự kiến tăng hơn 6.000 tấn, nhưng phụ phẩm giảm khoảng 587 tấn.

Kế hoạch doanh thu thuần cho năm tài chính 2020 dự kiến đạt 28.000 tỷ đồng, giảm khoảng 35 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp dự kiến đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế theo mục tiêu đạt khoảng 400 tỷ đồng, tăng 11% so với năm tài chính trước.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục