Hòa Phát lặng lẽ tiến trong khó khăn

Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải dừng sản xuất vì Covid-19, thì lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hòa Phát vẫn đạt tới 2.300 tỷ đồng trong quý I/2020. Điều đó đã cho thấy tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp này.
Xuất hàng thép Hòa Phát tại cảng Hòa  Phát Dung Quất. Xuất hàng thép Hòa Phát tại cảng Hòa Phát Dung Quất.

Lợi nhuận khủng

Kết thúc quý I/2020, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận kết quả kinh doanh khá khả quan trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể, doanh thu trong kỳ đạt 19.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.305 tỷ đồng, tăng tương ứng 28% và 27% so với cùng kỳ năm 2019. Lĩnh vực thép và nông nghiệp là 2 mũi nhọn giúp Hòa Phát tăng trưởng đáng kể.

Đạt được kết quả trên là nhờ trong 3 tháng đầu năm, Tập đoàn đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau nhằm thực hiện tốt các yêu cầu phòng chống dịch, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường trong tất cả các lĩnh vực của mình.

Lũy kế trong quý I/2020, thép xây dựng Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trên 732.000 tấn (chưa bao gồm sản lượng phôi thép), chiếm 31,9% thị phần tiêu thụ toàn thị trường, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, lượng thép thành phẩm xuất khẩu gần 135.000 tấn, tăng 74,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, lượng phôi thép Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt khoảng 350.000 tấn, chủ yếu là xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu phôi thép chính của Hòa Phát là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Riêng trong tháng 3, thép xây dựng Hòa Phát đã ghi dấu ấn kỷ lục. Tổng cộng cả lượng tiêu thụ thép thành phẩm và phôi thép, Hòa Phát đã cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước 486.000 tấn. Tất cả các vùng, miền đều ghi nhận tăng trưởng mạnh, trong đó, thép xây dựng thành phẩm xuất khẩu tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, khu vực miền Nam tăng 89,7%.

Với sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường gần 145.000 tấn, tiếp tục giữ thị phần vượt trội, với 31,1%. Ống thép Hòa Phát tiếp tục xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, với sản lượng tăng đột biến, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, riêng sản lượng xuất khẩu của tháng 3/2020 vượt cả lượng xuất khẩu của 2 tháng đầu năm. Đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh Covid-19, giá thép cán nóng (HRC) sụt giảm mạnh, nhu cầu thị trường giảm nhiều.

Thực tế này khá phù hợp với thống kê của Tổng cục Hải quan về xuất khẩu sắt thép liên tục tăng mạnh trong 2 tháng gần đây. Cụ thể, xuất khẩu sắt thép tháng 2/2020 của cả nước tăng 44% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 1/2020; tháng 3/2020 tăng tiếp trên 18% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 2/2020, đạt 815.507 tấn, tương đương 454,23 triệu USD.

Các lĩnh vực công nghiệp khác như nội thất, điện lạnh và bất động sản vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Các sản phẩm của Điện lạnh Hòa Phát như điều hòa, tủ đông, tủ lạnh đều tăng trưởng mạnh, góp phần đưa sản lượng tăng 57% so với cùng kỳ năm 2019.

Chờ bứt tốc

Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu xuất khẩu 400.000 tấn thép xây dựng, tăng 51% so mức đạt được của năm 2019. Ngoài thép xây dựng, Tập đoàn đang đẩy mạnh xuất khẩu nhiều sản phẩm thép khác như ống thép, tôn mạ, thép rút dây, dây thép rút mạ kẽm, thép dự ứng lực.

Đối với mặt hàng ống thép và tôn mạ, mục tiêu năm 2020 của Hòa Phát là xuất khẩu 30.000 tấn, tương ứng tăng 20% so với năm 2019.

Nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn Hòa Phát là đưa vào hoạt động dây chuyền thép cuộn cán nóng (HRC) trong năm nay.

Sau gần 3 năm, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất đã cơ bản hoàn thành giai đoạn I và đang vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và số 2 cùng các hạng mục liên quan trong chuỗi sản xuất khép kín từ quặng sắt tới thép xây dựng.

Đối với giai đoạn II, trên 80% hạng mục thiết bị chính đã hoàn thành, dự kiến đưa vào hoạt động 2 lò cao còn lại và dây chuyền đúc cán thép dẹt (HRC) trong năm 2020.

Song song với việc đang vận hành thử nghiệm giai đoạn I, cảng biển Hòa Phát Dung Quất có khả năng đón tàu 200.000 tấn cũng đang hoàn thành. Với 11 bến, cảng Hòa Phát Dung Quất được xem là một trong các hạng mục quan trọng nhất của Khu liên hợp Gang thép Dung Quất, bởi nó là lợi thế rất lớn và riêng có của Thép Hòa Phát Dung Quất, giúp tối ưu hóa bài toán logistics, dễ dàng nhập nguyên liệu đầu vào, bốc dỡ hàng hóa và xuất hàng thành phẩm… từ Khu liên hợp tới các thị trường trong và ngoài nước.

Nhờ có cảng nước sâu, mỗi tấn nguyên nhiên liệu giảm được chi phí 3 - 5 USD/tấn. Đây là lợi thế lớn bởi lượng nguyên liệu phải nhập hàng năm là rất lớn.

Riêng dây chuyền HRC của Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất đã lắp đặt xong thiết bị, dự kiến chạy thử và đi vào hoạt động ngày 1/4/2020. Nhưng do Covid-19, Italy ban hành chính sách phong tỏa, Việt Nam cũng dừng miễn và cấp thị thực cho công dân Italy từ ngày 2/3/2020, nên Tập đoàn Danieli (Italy) không thể cử chuyên gia công nghệ kỹ thuật cao sang Việt Nam, dẫn đến dây chuyền HRC bị chậm tiến độ so với kế hoạch.

“Đây là dây chuyền hiện đại, tự động hóa cao, nên ngoài chuyên gia Italy, kỹ sư nước khác không thể thay thế ở giai đoạn chạy nóng, vận hành chính thức. Ngay sau khi Covid-19 được kiểm soát, phía Danieli sẽ cử chuyên gia sang vận hành, dây chuyền HRC của Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ đi vào hoạt động”, đại diện doanh nghiệp cho hay.

Hoàng Nam
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục