Hòa Phát cho biết, kết quả bán hàng thép cuộn cán nóng tháng qua đạt cao chủ yếu nhờ nhu cầu các sản phẩm hạ nguồn tại thị trường miền Nam và xuất khẩu tốt hơn so với tháng 9/2023.
Cụ thể, các sản phẩm hạ nguồn HRC của Hòa Phát trong tháng 10 như ống thép, tôn mạ cũng tăng lần lượt là 11% và 25% so với tháng trước đó, tương ứng đạt 54.000 tấn và 26.000 tấn.
Với sản phẩm thép xây dựng, thép chất lượng cao, Tập đoàn Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường 339.000 tấn, giảm 4% so với tháng 9. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đóng góp 110.000 tấn, tăng 23%. Lần đầu tiên sau nhiều tháng, Hòa Phát có những đơn đặt hàng xuất khẩu phôi thép ra thị trường quốc tế.
Lũy kế 10 tháng, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 5,43 triệu tấn thép thô, giảm 18% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng các sản phẩm HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 5,25 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ.
Cụ thể, sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép chất lượng cao ghi nhận 2,9 triệu tấn, giảm 21%, trong đó, xuất khẩu đóng góp 600.000 tấn, giảm 44%.
Qua 10 tháng, thép cuộn cán nóng đã cung cấp cho thị trường 2,25 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm ống thép của Tập đoàn đạt gần 543.000 tấn, giảm 13%. Tôn mạ các loại của Hòa Phát giảm 3% với mức sản lượng 266.000 tấn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam phát hành vào tháng 10, Hòa Phát giữ thị phần dẫn đầu về thép xây dựng, ống thép với lần lượt 33.27% và 27,34%. Sản phẩm tôn mạ của Hoà phát đang giữ vững top 5 về thị phần bán hàng tại Việt Nam.
Trước đó, Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2023 với 85.430 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 3.830 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 63% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm 2023, Hòa Phát đã hoàn thành được 48% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Trong báo cáo mới đây về Hoà Phát, SSI Research cho rằng nhu cầu thép dự kiến sẽ phục hồi nhẹ trong quý IV/2023, và phục hồi đáng kể hơn trong năm 2024. Theo đó, nhu cầu trong quý IV/2023 sẽ phục hồi từ mức thấp trong quý III/2023, nhưng không đáng kể do thị trường bất động sản chưa khởi sắc.
Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ trên thị trường bất động sản vẫn ở mức thấp từ 20 - 25% trong quý III/2023. Tuy nhiên, nguồn cung đã có một số tín hiệu phục hồi đầu tiên. Theo CBRE, nguồn cung căn hộ mới và tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2023 có sự cải thiện nhỏ. Về dài hạn, nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ dự kiến sẽ phục hồi trong giai đoạn 2024 - 2025 do các điều kiện vĩ mô phục hồi dần và lãi suất cho vay mua nhà thấp hơn.
Do đó, SSI đã hạ ước tính lợi nhuận ròng cho HPG năm 2023 từ 7.030 tỷ đồng xuống 5.950 tỷ đồng (giảm 29,9% so với cùng kỳ) do giá thép trung bình điều chỉnh giảm 2% và than luyện kim tăng vọt trong thời gian gần đây. SSI duy trì ước tính sản lượng thép ở mức 3,6 triệu tấn đối với thép xây dựng HPG (giảm 15,9 %) và 2,7 triệu tấn đối với thép HRC (tăng 2,9%).
Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 có thể phục hồi mạnh mẽ 81% so với mức nền thấp trong năm 2023, đạt 10.780 tỷ đồng, nhờ nhu cầu phục hồi đặc biệt trong nửa cuối năm sau.
Theo báo cáo gần đây của Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của HPG (như Mỹ, châu Âu và ASEAN) dự kiến sẽ tăng lần lượt 1,6%, 5,8% và 5,2% so với cùng kỳ trong năm 2024, cải thiện từ mức -1,1% , -5,1% và 3,8% trong năm 2023.
Đồng thời, giá thép cũng ổn định nhờ tương quan cung - cầu khu vực thuận lợi hơn trong bối cảnh sản lượng thép Trung Quốc có xu hướng sụt giảm gần đây và biên lợi nhuận của các nhà máy thép ở cả Trung Quốc và Việt Nam đều về mức khá thấp.
Trên thị trường chứng khoán, tạm chốt phiên giao dịch sáng ngày 6/11, cổ phiếu HPG tăng 1,99%, lên 25.600 đồng/CP.