Hóa giải thách thức từ nguy cơ thương chiến thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ bị tác động mạnh bởi chính sách bảo hộ và thuế quan của Hoa Kỳ, đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để ứng phó.
Khi cạnh tranh thương mại gay gắt, các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam Khi cạnh tranh thương mại gay gắt, các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam

Nguy cơ từ thương chiến

Tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất khó lường, tác động trực tiếp tới nước ta, nhất là tới xuất khẩu, sản xuất - kinh doanh, kinh tế vĩ mô. Nếu chiến tranh thương mại trên thế giới xảy ra, sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu. Những nhận định này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ hôm 5/2.

Có thể nói, các chính sách bảo hộ thương mại và chính sách thuế của Hoa Kỳ cùng nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu do các biện pháp trả đũa lẫn nhau về thuế quan giữa các nền kinh tế lớn đã được nhiều chuyên gia dự báo có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Theo phân tích tại một báo cáo công bố tháng 1/2025 của Học viện Tài chính, các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng là một rủi ro đáng kể khiến tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm lại. Nếu các nước như Trung Quốc, EU, Nhật Bản… bị hạn chế xuất khẩu sang Hoa Kỳ, họ có thể sẽ tăng tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, thay vì nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác như Việt Nam.

Theo Thạc sĩ Lê Vũ Thanh Tâm (Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính), Hoa Kỳ có thể sẽ áp thuế chống bán phá giá nhiều hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam ngày càng lớn, đây là một rủi ro khá rõ nét.

Bên cạnh đó còn là rủi ro về tỷ giá gia tăng với xu hướng mạnh lên của USD. Việc tăng cường bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ có thể làm USD tăng giá. Do được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch thương mại và tài chính toàn cầu, nên biến động của USD cũng ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, kéo theo việc thắt chặt tài chính, dẫn đến nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính và suy giảm tăng trưởng tại các nước mới nổi và đang phát triển. Việc USD tăng giá khiến các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với rủi ro tín dụng khi các khoản nợ được định giá bằng USD trở nên khó thanh toán hơn.

Theo PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân), nếu USD tăng giá mạnh, sẽ tạo áp lực như tăng số thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) từ các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, tăng nguy cơ phá sản các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng thất nghiệp, lạm phát nhập khẩu…

Tuy nhiên, bên cạnh thách thức, các số liệu trong quá khứ cho thấy, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và có thể sắp tới là chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Kể từ khi Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu cao với hàng Trung Quốc vào năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng mạnh.

Tuy nhiên, để xuất khẩu thực sự hưởng lợi trong bối cảnh thương chiến toàn cầu có thể xảy ra, Việt Nam phải đáp ứng đủ hạ tầng, năng lực sản xuất, khả năng tuân thủ các yêu cầu thương mại của thị trường Hoa Kỳ trong dài hạn.

Hóa giải thách thức

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ đề xuất giải pháp để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với các nước đối tác lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, các thị trường mới, tiềm năng như Trung Đông, Halal, Mỹ La-tinh, châu Phi; thúc đẩy đàm phán, ký kết các khuôn khổ hợp tác mới.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo, phải đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa đầu vào và đầu ra của sản xuất. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nếu không duy trì được đầu ra ổn định, thì sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn. Do đó, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sản xuất, ổn định tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng, cần hình thành những nền tảng mới của sự phát triển, bao gồm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ tương đương kim ngạch xuất nhập khẩu, đầu tư Việt Nam - Trung Quốc để tạo ra quan hệ thương mại cân bằng trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, khi cạnh tranh thương mại gay gắt, các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Theo dự báo của các chuyên gia từ Học viện Tài chính, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản có thể sẽ dịch chuyển thêm các công đoạn sản xuất sang Việt Nam.

Để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về thể chế và pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi hơn để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Đồng thời, sẽ triển khai ngay một số chính sách quan trọng mà Quốc hội đã thông qua, đặc biệt là chính sách “luồng xanh” nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục