Sau đợt IPO Vietcombank dằng dai khiến nhiều nhà đầu tư mất hết kiên nhẫn mà kết quả lại chẳng được là bao, có vẻ như thị trường đang xuất hiện tâm lý “sợ IPO”. Doanh nghiệp lớn nào sắp IPO thì câu hỏi đầu tiên đặt ra là, “liệu có phải là một Vietcombank phẩy không?”. Doanh nghiệp đó dù có tự tin đến mấy về kết quả hoạt động của mình chắc cũng khó thể trả lời “không” một cách chắc chắn được.
Lại sắp IPO Sabeco, Habeco…, những lo lắng cho hai doanh nghiệp này không phải là không có cơ sở. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thị trường đã “bội thực” lắm rồi, IPO thêm làm gì?! Bây giờ, cái mà họ quan tâm là kế hoạch giãn IPO sao cho thị trường có thể hấp thụ được.
Thị trường sau khi chạm xuống cái tạm thời chúng ta gọi là đáy, giờ đang gắng sức bật lên nhưng chẳng ai có thể trả lời được sức khoẻ của nó hiện nay ra sao, nhất là khi cơ quan quản lý đang “nóng lòng” tìm cách để kích cầu.
Tình trạng ảm đạm của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an, đâm ra nhạy cảm với mọi thứ. Nhưng chúng ta hãy thử nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và sáng suốt hơn.
Chúng ta biết rằng, IPO là việc trước hay sau sẽ phải thực hiện và để TTCK phát triển bền vững, luôn cần những món hàng tốt để làm điểm tựa - đó là cốt lõi của vấn đề. Ai mà chẳng hy vọng trong giỏ hàng của mình có nhiều hàng hiệu! Tuy nhiên, nếu những “hàng hiệu” được bán ồ ạt không đúng thời điểm thì nó lại khiến thị trường bị loãng hàng. Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đang như con chim sợ cành cây cong thì dù có những mặt hàng chất lượng tốt với giá rẻ cũng chưa chắc đã mua!
Vậy, trước mắt có 2 vấn đề chính là vấn đề thời điểm và vấn đề tâm lý. Trong đó, vấn đề thời điểm đã được các cơ quan chức năng vào cuộc điều chỉnh với lộ trình giãn IPO một cách hợp lý. Nhưng câu hỏi đặt ra là, còn rất nhiều doanh nghiệp lớn đã có kế hoạch IPO, nếu cứ giãn như vậy thì thì khi nào chúng ta mới IPO xong? Và liệu khi đó nhà đầu tư đã thôi nhớ về những tiền lệ buồn trước đó hay chưa?
Khi niềm tin về IPO sẽ kéo thị trường lên không còn, người ta chỉ còn một mơ ước giản dị là bán tài sản quốc gia sao cho đừng rẻ quá. Và dường như, thay vì lấy IPO để xốc thị trường, giờ đây chúng ta phải dựa vào thời điểm thị trường tăng trưởng để xốc IPO. Tại sao chúng ta lại phải làm như vậy?
Ai cũng biết, TTCK bị ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố tâm lý. Vậy tại sao chúng ta không giải quyết vấn đề bằng cách tác động vào chính yếu tố đó? Sau khi IPO Vietcombank không được như ý thì ngay lập tức chúng ta nghĩ tới việc giãn IPO. Tại sao chúng ta không chú trọng tới việc xốc lại tâm lý cho các nhà đầu tư? Nhà đầu tư với những đồng tiền đang nóng bỏng trên tay làm sao có thể tự bình tĩnh được. Tránh sao việc họ hành động theo bầy đàn, kéo thị trường đi xuống.
Một trong những vấn đề chủ chốt trong năm 2008 chắc chắn sẽ là IPO. Rất nhiều doanh nghiệp lớn đang chờ trình làng như Incombank, BIDV, Agribank, Vinaphone... IPO của các doanh nghiệp lớn luôn là những cơ hội để nhà đầu tư có thể mua được nhiều hàng hoá tốt. Thời điểm IPO có thể không thực sự thuận lợi trong ngắn hạn, nhưng những hàng hoá có chất lượng sẽ luôn toả sáng đúng lúc. Do đó, cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư để họ đổ thêm tiền vào thị trường, giúp TTCK phát triển bền vững.