Hòa Bình (HBC) vẫn chưa yên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tranh chấp cấp cao ở Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) vẫn chưa đi tới hồi kết.
Mâu thuẫn nội bộ tại Tập đoàn Hòa Bình đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và giới đầu tư. Mâu thuẫn nội bộ tại Tập đoàn Hòa Bình đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và giới đầu tư.

Đại hội bất thường tổ chức được hay không?

Thông tin cập nhật cho đến cuối tuần qua, ông Lê Viết Hải, với tư cách cổ đông lớn sở hữu 43,9 triệu cổ phần, tương đương 16,2% cổ phần của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã gửi văn bản chính thức đề nghị triệu tập đại hội cổ đông bất thường để bầu, miễn bãi nhiệm một số thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ủy ban Kiểm toán của Công ty. Lý do đề nghị là một số thành viên Hội đồng quản trị đã vi phạm nghiêm trọng trách nhiệm, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng quản trị theo quy định của Điều lệ Công ty, xâm phạm đến quyền lợi của toàn thể cổ đông. Đơn đề nghị triệu tập được văn phòng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiếp nhận vào chiều ngày 6/1/2023.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông bất thường phải đưa ra bằng chứng vi phạm. Theo Điều lệ của Hòa Bình, trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cổ đông, Hội đồng quản trị phải có văn bản trả lời chính thức bằng văn bản về yêu cầu triệu tập.

Nếu Hội đồng quản trị chấp thuận thì trong thời hạn 30 ngày phải triệu tập đại hội cổ đông. Nếu Hội đồng quản trị không triệu tập thì Trưởng Tiểu ban Kiểm toán phải triệu tập. Trường hợp Trưởng Tiểu ban Kiểm toán không triệu tập thì cổ đông có quyền thay thế Hội đồng quản trị, Trưởng Tiểu ban Kiểm toán triệu tập họp đại hội cổ đông theo quy định tại khoản 6, Điều 136 của Luật Doanh nghiệp. Cổ đông có quyền mời cơ quan đăng ký kinh doanh đến giám sát đại hội cổ đông bất thường.

Trên thực tiễn, chưa có tiền lệ nhóm cổ đông của doanh nghiệp niêm yết đứng ra triệu tập đại hội cổ đông bất thường, bởi khi hai cơ quan quyền lực của doanh nghiệp đã từ chối triệu tập đại hội cổ đông bất thường thì Trung tâm Lưu ký chứng khoán rất khó phân xử lý do triệu tập có đúng không để quyết định cung cấp danh sách cổ đông hay không. Tuy nhiên, trong Điều lệ của Hòa Bình đã ghi rõ: Trường hợp Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán, cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải tự mình triệu tập cuộc họp theo quy định tại Điều 12 thì “Chủ tịch Hội đồng quản trị có trách nhiệm tiến hành các thủ tục cần thiết để cung cấp cho họ danh sách cổ đông có quyền dự họp”.

Như vậy, khả năng đại hội cổ đông bất thường của Hòa Bình được triệu tập trong các kịch bản pháp lý là cao, vấn đề chỉ còn là thời gian.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trong Hội đồng quản trị Hòa Bình vẫn bất đồng về tính pháp lý của Nghị quyết 53, nội dung là hoãn thi hành Nghị quyết 50 (về việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023) và Nghị quyết 51 (về việc bầu ông Nguyễn Công Phú giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày 1/1/2023).

Theo giải trình của Tập đoàn Hòa Bình gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Nghị quyết 53 được ban hành trên cơ sở cuộc họp ngày 31/12/2022. Trên cơ sở nội dung trao đổi liên quan đến cuộc họp, các thành viên Hội đồng quản trị HBC đã thảo luận và cho ý kiến biểu quyết, gồm 3 phiếu biểu quyết tán thành, 1 phiếu biểu quyết không có ý kiến và 1 phiếu biểu quyết không tán thành. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Phú, thành viên Hội đồng quản trị độc lập lại khẳng định không tham dự cuộc họp và chỉ nhắn tin để thông báo phản đối cuộc họp này.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, từng tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp cho rằng, trong trường hợp hai bên không thể thỏa thuận hòa giải thì nên giải quyết ở tòa án hoặc trọng tài là một cơ chế chính thức và chuyên nghiệp để phân giải tranh chấp. Điều này không chỉ bảo vệ lợi ích của các bên tranh chấp, mà còn vì lợi ích chính đáng của cổ đông và chính doanh nghiệp.

Điều lệ của Hòa Bình cũng quy định về giải quyết tranh chấp nội bộ liên quan Hội đồng quản trị hay Chủ tịch Hội đồng quản trị thì bất cứ bên nào cũng có quyền chỉ định một chuyên gia độc lập làm trung gian hòa giải cho quá trình giải quyết tranh chấp.

Rủi ro “giám đốc giấu mặt”

Một luật sư làm việc cho một công ty luật nước ngoài bình luận, Hội đồng quản trị Hòa Bình đã làm việc như cầm đèn chạy trước… đại hội đồng cổ đông nếu họ có ý tưởng thành lập Hội đồng sáng lập và chuyển giao chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng sáng lập có mối liên hệ chặt chẽ như đã thông tin, làm việc trên cơ chế đồng thuận về các quyết định liên quan đến doanh nghiệp như hạn mức vay ngân hàng, đầu tư… thì cần trình đại hội cổ đông sửa đổi Điều lệ trước.

Theo đó, Điều lệ quy định chức năng quyền hạn của Hội đồng sáng lập, tiêu chí lựa chọn thành viên Hội đồng sáng lập.

Sau khi đại hội cổ đông thông qua và ủy quyền cho Hội đồng quản trị thực hiện thì mới thực hiện các bước tiếp theo là thành lập Hội đồng sáng lập; ban hành quy chế chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng sáng lập, cá nhân từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và chuyển giao…

Chính vì làm ngược nên thỏa thuận giữa hai Chủ tịch hoàn toàn dựa trên “chữ Tín”, với nhận thức có sự cách biệt nhau về thực hành cơ chế đồng thuận trong các quyết định, dẫn đến mâu thuẫn.

Thực tế, tại không ít doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tồn tại việc các cá nhân bên ngoài Hội đồng quản trị hay ban điều hành nhưng có thể can thiệp vào quyết định của các thành viên trong hai cấp quản trị điều hành này.

Trong lý thuyết kinh tế có thuật ngữ “shadow director”, tạm dịch là “giám đốc giấu mặt”, để chỉ những người này. Đó có thể là chủ kiểm soát hoặc có cổ phần lớn của một công ty, không công khai tham gia vào quản trị của công ty, nhưng có hướng dẫn hoặc hướng dẫn được thường xuyên tuân thủ bởi các nhân viên hoặc các giám đốc công khai trong công ty.

Đã có không ít doanh nghiệp lập ra, hình thành công khai hoặc không công khai hội đồng sáng lập, hội đồng tư vấn, hội đồng chuyên môn… là tổ chức không có giá trị pháp lý, là một hay một nhóm người nhưng có thể chi phối các quyết của hội đồng quản trị, ban giám đốc doanh nghiệp. Luật pháp không cấm các tổ chức này trong doanh nghiệp nhưng các quyết định của tổ chức này không có hiệu lực pháp lý.

Ngược lại, nhìn từ thực tế, nhiều mâu thuẫn, khủng hoảng quản trị công ty xảy ra liên quan hay phát sinh do hoạt động của các “shadow director”. Nếu các ‘giám đốc giấu mặt” tham gia vào quá trình đưa ra quyết định, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm trước doanh nghiệp và pháp luật.

Trở lại trường hợp của Hòa Bình, các thành viên Hội đồng quản trị cần luôn trung thành với lợi ích doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp quy định. “Trong trường hợp thành viên Hội đồng quản trị giữ vai trò thành viên độc lập trong cơ cấu Hội đồng quản trị có những thỏa thuận với cổ đông khác khi đưa ra quyết định của mình trong quyết định, biểu quyết thông qua các nội dung của Hội đồng quản trị thì tính độc lập đã không còn”, một chuyên gia quản trị công ty, tốt nghiệp thạc sỹ luật ở nước ngoài chia sẻ.

Thách thức với thành viên Hội đồng quản trị Hòa Bình, bao gồm cả các thành viên không thuộc phe nào trong “hai Chủ tịch” thời điểm này là hành xử như thế nào để thể hiện trách nhiệm cao nhất với lợi ích của doanh nghiệp mà họ đã tuyên thệ, hứa khi được bầu. Bởi các cổ đông bên ngoài đang dõi theo và có thể thực hiện quyền cổ đông khi các thành viên Hội đồng quản trị vi phạm trách nhiệm và nghĩa vụ.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục