Hòa Bình (HBC) - Coteccons (CTD): Một khởi đầu mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vừa bị Coteccons giành lại “ngôi vương” ngành xây dựng sau một năm ngắn ngủi nắm giữ, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và đối thủ nặng ký này lại bắt tay đồng hành trong liên danh Hoa Lư tham gia đấu thầu gói thầu lớn nhất của “siêu dự án” sân bay Long Thành, với quy mô lên tới 35.000 tỷ đồng.
Hòa Bình (HBC) - Coteccons (CTD): Một khởi đầu mới

Từ đối thủ thành đối tác

Sau khi thất bại ở lần chào thầu tháng 9/2022 (do không có nhà thầu nào đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã mở thầu lần thứ hai (đóng hồ sơ ngày 12/6/2023) cho gói thầu 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách”. Đây là gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng.

Hiện có 3 liên danh tham gia đấu thầu là CHEC-BCEG-Vietnam Contractors (có hai nhà thầu Trung Quốc) và VIETUR (đứng đầu là nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ) và liên danh Hoa Lư (do Coteccons đứng đầu, gồm 7 nhà thầu nội cùng một nhà thầu Thái Lan). Đáng chú ý, liên danh Hoa Lư bao gồm những nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam hiện nay, trong đó có 4 doanh nghiệp nằm trong Top 10 nhà thầu xây dựng năm 2023 do Vietnam Report xếp hạng, lần lượt ở vị trí số 1, 2, 6, 7 là Coteccons, Hòa Bình, Delta, Unicons.

Sự kiện này cũng đánh dấu cú bắt tay đáng nhớ giữa Coteccons và Hòa Bình, hai “gã khổng lồ” trong ngành xây dựng và có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử hoạt động. Hòa Bình vừa trải qua hàng loạt biến cố, khi vừa báo lỗ nặng trong năm 2022, với khoản lỗ 2.566 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2022 là hơn 2.100 tỷ đồng. Khó khăn về dòng tiền khiến Công ty phải thanh lý tài sản, cấn trừ nợ cho nhà thầu phụ bằng cổ phiếu, máy móc xây dựng công trình, bất động sản...

Hồi đầu năm nay, nội bộ Công ty diễn ra cuộc chiến tranh giành quyền lực ở cấp cao nhất và phải tới cuối quý I, hòa bình mới được thiết lập lại trong Công ty, khi ông Lê Viết Hải giành lại chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị…

Trước khi lấy lại vị trí số 1 ngành xây dựng từ tay Hòa Bình vào năm 2022, Coteccons cũng từng trải qua giai đoạn suy giảm mạnh vào năm 2020 - 2021. Năm 2020, doanh thu của Công ty giảm gần một nửa so với năm trước đó, xuống còn 14.558 tỷ đồng; năm 2021 thậm chí rơi xuống dưới mốc 10.000 tỷ đồng, lãi ròng còn 24 tỷ đồng. Đây là hệ quả của lục đục nội bộ kéo dài hai năm 2019 - 2020.

Thời điểm đó, khi đang ở đỉnh cao tăng trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị cũ kiêm người sáng lập Coteccons là ông Nguyễn Bá Dương muốn hợp nhất Ricons với Coteccons để củng cố vị thế cho Coteccons nhưng kế hoạch không thành, cuối cùng, ông Dương và nhiều nhân sự cấp cao phải rời Tập đoàn. Chủ tịch mới của Coteccons từ tháng 10/2020 đến nay là ông Bolat Duisenov (quốc tịch Kazakhstan, nguyên Tổng giám đốc Kusto Việt Nam).

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, tổ chức hôm 27/6/2023, sự có mặt của liên danh Hoa Lư được đánh giá là “liều doping” để củng cố niềm tin cho cổ đông của Hòa Bình trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh sa sút, cổ phiếu chạm đáy. Tại đây, Chủ tịch Hòa Bình Lê Viết Hải đã bắt tay Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov, khẳng định quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Ông Hải cũng chia sẻ: “Đây là lúc gạt bỏ những cái tôi cá nhân để hướng đến lợi ích chung, đồng hành cùng nhau”.

Đáng chú ý, một trong hai nhóm nhà thầu cạnh tranh với liên danh Hoa Lư (mà Coteccons đứng đầu và Hòa Bình là một trong 7 thành viên) tại gói thầu lớn nhất tại dự án sân bay Long Thành là VIETUR lại có sự xuất hiện của một số nhà thầu có liên quan đến hệ sinh thái của cựu Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương như Ricons, Newtecons và SOL E&C. Trong đó, Newtecons và Ricons đã cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Hòa Bình quyết tâm “làm mới”

Đứng đầu liên danh Hoa Lư, Coteccons là nhà thầu có năng lực tài chính mạnh. Quý I/2023, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 3.130 tỷ đồng, tăng gần 64% so với quý cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế đạt 22 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Tại thời điểm cuối quý I, Công ty có khoản tiền mặt lên đến hơn 4.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của Coteccons và Hòa Bình 2013-2023 (ĐVT: tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế của Coteccons và Hòa Bình 2013-2023 (ĐVT: tỷ đồng).

Năm nay, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu 16.249 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 233 tỷ đồng, tăng 12% về doanh thu và 1.100% về lợi nhuận so với kết quả thực hiện trong năm ngoái. Theo lãnh đạo Coteccons, cơ sở cho kế hoạch này đến từ giá trị back-log (khối lượng hợp đồng tồn lại) cho năm 2023 là 17.000 tỷ đồng (chưa bao gồm gói thầu xây dựng Nhà máy sản xuất Lego) và kỳ vọng trúng thầu các dự án đầu tư công như siêu dự án sân bay Long Thành.

Trong khi đó, Hòa Bình đang nỗ lực tái cấu trúc sau giai đoạn thua lỗ nặng (quý đầu năm tiếp tục lỗ 445 tỷ đồng) và bộc lộ nhiều vấn đề trong quản trị. Năm nay, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Lê Viết Hải cho biết, “Hòa Bình lùi lại một bước để làm mới bản thân bằng chiến lược tái cấu trúc toàn diện với quyết tâm đưa Hòa Bình vượt qua thách thức và dần ổn định để tiếp tục phát triển và khôi phục vị thế vốn có của mình”.

Hòa Bình vừa miễn nhiệm 5/8 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2024 và lên kế hoạch phát hành hơn 4,6 triệu cổ phiếu ESOP và phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm huy động nguồn vốn để bổ sung vốn lưu động cũng như xử lý các khoản nợ.

Theo Chủ tịch Hòa Bình, hiện có 4 đối tác quan tâm đến đợt phát hành của Công ty; trong đó, có một đối tác đến từ Australia sẵn sàng chi 60 - 100 triệu USD để mua cổ phiếu HBC.

Việc hoán đổi nợ thành cổ phần cũng cho tín hiệu tích cực, khi tính đến 30/6/2023, đã có gần 100 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ cho Tập đoàn bằng cổ phiếu HBC, với giá trị lên đến 1.000 tỷ đồng.

Trước ý kiến lo ngại về năng lực tài chính của Hòa Bình khi tham gia dự án sân bay Long Thành, tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, ông Lê Viết Hải cho biết: “Chúng tôi còn có sự cam kết của Coteccons. Nếu có bất kỳ bất trắc nào đó xảy ra về tài chính với Hòa Bình hay thành viên nào trong liên danh thì Coteccons - người đứng đầu liên danh sẽ hỗ trợ. Tôi nghĩ đó là điều kiện khiến tôi cảm thấy rất an toàn cho liên danh”.

Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện Coteccons cũng cho biết, tài chính không phải vấn đề, quan trọng nhất là có thể chiết xuất ra những điểm mạnh nhất của mỗi thành viên trong liên danh để bổ trợ cho nhau, hòa với nhau thành bức tranh tổng thể mạnh.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục