Một nhóm chuyên gia đã lặn xuống hố xanh (Blue hole) ở gần rạn san hô Great Barrier nổi tiếng của Úc. Hố xanh này nằm cách đảo Daydream thuộc ngoài khơi khía đông bắc Australia chừng 200km.
Hố xanh nằm ở khu vực hẻo lánh của vùng biển ngoài khơi Australia
Hố xanh có độ sâu chừng 20m, tìm thấy tại vùng chưa được khám phá của khu di sản nổi tiếng thuộc “xứ sở chuột túi”. Do nằm tại khu vực hẻo lánh trong quần thể và ít được biết tới, nên khi nhóm thám hiểm xuống dưới đáy, họ vô cùng ngạc nhiên với điều diễn ra trước mắt.
Dưới đáy của hố xanh là những rạn san hô phát triển rất khỏe mạnh. Đây là một điều khá hiếm gặp khi xung quanh đó, hiện tượng san hô bị mất màu hay “tẩy trắng” (coral bleaching) đang lan rộng khắp khu vực. Hiện tượng san hô mất màu do ảnh hưởng của nước biển ấm lên hoặc nguyên nhân đến từ các loài tảo độc bám lên thân.
Nhà sinh vật biển Johnny Gaskell đã tiết lộ những phát hiện của họ trong một bài viết lên Instagram, chia sẻ những kỳ quan kinh ngạc lạ thường.
“Hố xanh Blue Hole trước đây được các nhà địa chất mô tả có thể mang kích thước lớn hơn Great Blue Hole ở Belize. Nó nằm tại khu vực ít được khám phá nhất trong quần thể Great Barrier. Để tới đó, chúng tôi phải di chuyển trong đêm hơn 10 giờ đồng hồ và canh thời gian thủy triều lên. Thực sự là chuyến đi đáng giá”, ông viết.
“Mọi người đều vui mừng khi thấy quần thể san hô phát triển khỏe mạnh. Hãy chờ đoạn video tiếp theo của chúng tôi”, ông nói.
Hố xanh là hố sụt dưới nước hình thành bởi sự xói mòi của đá vôi và có hình dáng giống một vòng nước màu xanh sẫm. Hố xanh nổi tiếng nhất thế giới nằm ở ngoài khơi Belize, mang tên Great Blue Hole.
Vào đầu năm nay, các nhà nghiên cứu từng lên tiếng cảnh báo rạn san hô Great Barrier có thể bị “xóa sạch” và không còn khả năng phục hồi. Khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng san hô mất màu. Trước đó, các nhà khoa học cũng phát hiện một khu vực san hô bị tẩy trắng sau sự kiện nghiêm trọng xảy ra vào năm 2016.
Việc phát hiện rạn san hô phát triển khỏe mạnh bên dưới hố xanh được coi là tín hiệu đáng mừng về khả năng phục hồi của Great Barrier. Nhưng nguyên nhân tại sao san hô ở hố xanh Blue Hole phát triển khỏe mạnh vẫn là câu hỏi lớn.
Rạn san hô Great Barrier là hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới, bao gồm khoảng chừng 3.000 tảng đá ngầm riêng rẽ và 900 hòn đảo, kéo dài khoảng 2.600 km, bao phủ một vùng có diện tích xấp xỉ 344.400 km2.[ Phần đá ngầm nằm ở khu vực biển san hô, cách bờ biển Queensland về hướng đông bắc Úc. Một phần lớn đá ngầm được bảo vệ bởi công viên hải dương rạn san hô Great Barrier.
Rạn san hô Great Barrier có thể được nhìn thấy từ ngoài không gian và được quy cho là đơn thể lớn nhất thế giới. Nó cũng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1981. Đài CNN đã gọi nơi này là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới.