Hỗ trợ trúng, đúng đối tượng, tránh trục lợi

“Rất cần thiết, thực hiện càng nhanh càng tốt, nhưng ngân sách có hạn, phải tổ chức thực hiện thế nào để không sai, không trùng lặp, không bị trục lợi...”. Đó là quan điểm của ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về đề xuất hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ Chính phủ.
Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Tổng thể tức là gói hỗ trợ lần này phải đặt trong toàn bộ các chính sách cả về an sinh xã hội và kích cầu kinh tế, thưa ông?

Đúng như vậy, chính sách này phải được tính toán trong tác động tổng thể của dịch Covid-19 đối với toàn bộ nền kinh tế.

Theo báo cáo, quy mô hỗ trợ dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng, thực hiện tối đa 3 tháng. Giả sử 3 tháng nữa mà chưa hết dịch thì có tiếp tục hỗ trợ không và lúc đó lấy tiền ở đâu? Hay bên cạnh gói an sinh này, có cần thêm gói kích cầu sản xuất, kinh doanh không? Gói này rất quan trọng vì sản xuất có ổn định thì xã hội mới phát triển được, còn gói 62.000 tỷ đồng mang ý nghĩa hỗ trợ tức thời.

Điều quan trọng nữa là phải đánh giá tác động liên thông với thị trường thế giới, vì nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn, giả sử Việt Nam dập dịch xong, nhưng thế giới chưa xong, thì nước ta vẫn bị ảnh hưởng.

Có thể lần này do tính cấp thiết nên chưa đi vào chi tiết từng gói, nhưng tổng thể cần bao nhiêu gói, mỗi gói bao nhiêu tiền phải có dự kiến. Nguồn lực có hạn, nên phân bổ cái gì trước, cái gì sau, cần đưa vào kế hoạch tổng thể mới có thể tính toán được.

Vậy theo ông, nếu chỉ tính riêng 62.000 tỷ đồng của gói này thì có khả thi không?

Gói này cũng đã có sự huy động tổng lực rồi, bao gồm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ gián tiếp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngân sách Trung ương bố trí từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của năm 2019, từ nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên (giảm chi hội họp, tổ chức lễ hội, đi công tác trong và ngoài nước…). Ngân sách địa phương cũng dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách năm 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư... Như vậy cũng khá khả thi.

Song, phải dự báo năm nay tình hình ngân sách thế nào, rồi địa phương có cân đối được không. Hơn nữa, phải thiết kế để có thể thực hiện được ngay, chứ còn phải chờ hướng dẫn thì không biết đến bao giờ tiền hỗ trợ mới đến được tay người dân gặp khó khăn và như thế sẽ phần nào mất đi ý nghĩa của chính sách.

Như ông đã nói, còn ý kiến về tính cụ thể trong quy định đối tượng được hỗ trợ, ông có thể phân tích kỹ hơn?

Trong hoàn cảnh tác động của đại dịch rất nghiêm trọng, thì hỗ trợ được cho càng nhiều người càng tốt. Nhưng ngân sách có hạn, vì thế nhiều ý kiến đều nhấn mạnh, chỉ nên hỗ trợ cho những đối tượng thực sự bị giảm sâu về thu nhập. Do đó, cần phải rà soát, thống kê một cách định lượng.

Chính phủ đề xuất hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng. Hiện Việt Nam có khoảng 45 triệu lao động, nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, còn lại 30 triệu lao động không có bảo hiểm thì trợ cấp cho nhóm đối tượng này thế nào?

Báo cáo của Chính phủ có nói đến đối tượng được hỗ trợ là lao động tự do. Đặc điểm của họ là di chuyển nhiều, vậy thống kê ra sao, tiêu chí thế nào... là việc rất khó khăn.

Chính phủ cũng đề xuất hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định là 1 triệu đồng/hộ/tháng. Hiện Việt Nam có khoảng 1,4 triệu hộ nghèo và 1,1 triệu hộ cận nghèo, mỗi hộ bình quân có 4 người, như vậy tính ra mỗi người được 250.000 đồng/tháng, có công bằng với các nhóm khác không?

Theo đề xuất thì người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng nằm ở nhóm đầu tiên được hưởng hỗ trợ. Nhưng có phải ai ở trong nhóm này cũng khó khăn đâu, vậy nên trong từng nhóm cũng cần có các mức khác nhau. Đây là hỗ trợ chứ không phải chia phúc lợi.

Ngoài ra, còn có khoảng 1,7 triệu cụ cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, đã có trợ cấp người già 270.000 đồng/tháng, liệu có cần hỗ trợ không?

Theo tôi, trong điều kiện ngân sách khó khăn, phải xác định chính xác nhóm đối tượng, không cào bằng, đảm bảo nguyên tắc tương đối công bằng và nhóm đối tượng nào chịu tác động lớn thì hãy hỗ trợ.

Đã quyết định chi tiền hỗ trợ thì Quốc hội cần giám sát. Với chính sách này, theo ông nên tổ chức giám sát thế nào cho hiệu quả?

Trong việc này thì giám sát của cộng đồng dân cư rất quan trọng, bởi người dân sẽ biết các đối tượng được nhận hỗ trợ có chính xác hay không. Vì thế, Quốc hội cần huy động sự tham gia giám sát từ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cộng đồng dân cư. Tất nhiên, cũng cần sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước ở thời điểm hợp lý.

Nguyên Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục