Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Vấn đề là thực thi

(ĐTCK-online) Trong nền kinh tế mở cửa và hội nhập, một trong những rủi ro mà DN luôn phải đối mặt đó là rủi ro về pháp lý. Ngoài lý do là sự thay đổi chính sách đột ngột, còn có nguyên nhân là sự “đa nghĩa” của chính sách, sự thiếu hiểu biết, chậm cập nhật thông tin chính sách, văn bản mới của chính DN. Đó cũng là lý do khiến cộng đồng DN tỏ ra phấn khích khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý DN.
Cách hiểu khác nhau về pháp luật thường rơi vào những lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai… Cách hiểu khác nhau về pháp luật thường rơi vào những lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai…

Không được im lặng trước yêu cầu của DN

Cách đây không lâu, UBCK có công văn yêu cầu các công ty đại chúng nộp công bố thông tin theo đúng quy định tại Thông tư 38/TT-BTC. Theo UBCK, nhiều công ty chậm công bố báo cáo tài chính năm, báo cáo thường niên, công bố thông tin bất thường; phần lớn công ty chưa thành lập trang thông tin điện tử để thực hiện công bố thông tin; một số công ty đã lập trang thông tin điện tử nhưng không cập nhật thường xuyên thông tin phải công bố. Trên thực tế, một số DN vì những nguyên nhân khác nhau vẫn chưa biết đến quy định này. “Chúng tôi chỉ biết là phải nộp báo cáo tài chính qua kiểm toán lên UBCK nhưng việc lập website thì tùy vào từng DN, chứ không phải là bắt buộc”, cán bộ phụ trách công bố thông tin tại một DN cho biết. Mới đây, tại CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (có trụ sở tại tỉnh Sơn La) thực hiện việc tăng vốn nhưng không báo cáo UBCK. Đại diện DN này hồn nhiên trả lời ĐTCK rằng, anh em ở trên này chế độ, chính sách không nắm được nhiều nên không biết!

Những câu chuyện kể trên có thể không còn tiếp diễn khi mà mỗi bộ, ngành, địa phương phải thực hiện việc hỗ trợ pháp lý cho DN. Theo Nghị định 66/2008/NĐ-CP, DN có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của DN. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời yêu cầu giải đáp pháp luật trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày DN cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật. Đối với trường hợp có nội dung phức tạp thì thời hạn trả lời là 30 ngày làm việc.

Các bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức việc tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của DN liên quan đến các quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản để kịp thời điều chỉnh những phát sinh trong hoạt động, kinh doanh của DN.

Việc hỗ trợ pháp lý được thực hiện đối với mọi DN, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động. Các hình thức và nội dung hỗ trợ pháp lý gồm: xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của DN; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN; giải đáp pháp luật; tiếp nhận kiến nghị của DN về hoàn thiện pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN. Cụ thể, các bộ, UBND tỉnh tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, thẩm quyền do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của DN để đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của bộ, UBND cấp tỉnh. DN được tiếp cận và sử dụng miễn phí thông tin đăng tải trên các trang tin điện tử này.

 

Hỗ trợ pháp lý lấy tiền từ đâu?
1. Kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý được bố trí trong dự toán chi thường xuyên 
    của ngân sách các bộ, UBND cấp tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Các bộ, UBND cấp tỉnh được huy động, sử dụng kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức,
   cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN theo quy định 
    của pháp luật.
3. Bộ Tài chính chủ trì với Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán quản lý và sử dụng 
    kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác hỗ trợ  pháp lý cho DN.
Nguồn: Nghị định 66/2008/NĐ-CP

Vấn đề là thực thi

Trên thực tế, để ban hành được nghị định này, các cơ quan liên quan đã thực hiện việc khảo sát nhiều DN tại 3 miền. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của ĐTCK, phần lớn kiến nghị lên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - cơ quan đại diện cho cộng đồng DN) thì không phải do DN thiếu hiểu biết về pháp luật mà do họ rất am hiểu, gõ cửa nhiều cơ quan nhưng vẫn không có “đáp án” cuối cùng. Vấn đề nằm ở chỗ, việc vận dụng chính sách, hiểu chính sách mỗi nơi một khác. DN hiểu một đằng, nhưng cơ quan nhà nước lại nghĩ một kiểu. Cách hiểu khác nhau thường rơi vào những chính sách về thuế, hải quan, đất đai… Do đó, cần đổi mới ngay cách làm luật, văn bản pháp quy tránh gây ra tình trạng một quy định có nhiều cách hiểu, cách thực thi khác nhau.

Luật gia Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, ra được nghị định này là một bước tiến nhưng đưa vào cuộc sống lại là một câu chuyện dài. Ông Huỳnh lo lắng đến vấn đề về nhân lực, về tài chính, về việc luật khung vẫn chiếm số lượng lớn. Vấn đề không phải là giải thích chính sách, mà câu chuyện nằm ở chỗ đội ngũ đủ năng lực tại UBND cấp tỉnh và các bộ có nắm vững chính sách để giải đáp, hỗ trợ DN hay không. Những vướng mắc trong vụ việc liên quan đến nhiều ngành, vậy sự phối hợp giữa các ngành như thế nào? Do đó, cần một đầu mối đủ mạnh để có thể hỗ trợ cho DN.

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục