Hỗ trợ nhà mạng xây dựng mạng lưới 5G

Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là cơ hội lớn để phát triển mạng 5G.
Hỗ trợ nhà mạng xây dựng mạng lưới 5G

Nghị quyết đã quy định về việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp triển khai nhanh 5G. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G toàn quốc khi doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G phải đạt tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2025.

Tổng số tiền hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông quy định không vượt quá tổng số tiền trúng đấu giá của các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện trong năm 2024. Mức hỗ trợ một trạm phát sóng 5G là 15% chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ.

Quy định trên được xem là chính sách đột phá để doanh nghiệp viễn thông phát triển hệ thống mạng lưới 5G trong thời gian ngắn, đến hết năm 2025. Đến nay, Viettel có hơn 6.500 trạm BTS 5G, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, trường đại học. Đến hết tháng 1/2025, thuê bao 5G Viettel đạt 5,5 triệu người dùng.

Còn VNPT cho biết đã triển khai công nghệ này trên phạm vi toàn quốc tới khu vực trung tâm của 63 tỉnh, thành phố, tất cả 705 đơn vị hành chính quận, huyện và các khu vực quan trọng như khu công nghiệp, sân bay, trung tâm chính trị. Theo tập đoàn này, năm 2025, VNPT sẽ tăng vùng phủ sóng gấp 3 lần hiện nay, theo đúng lộ trình, tiến tới phủ sóng 5G đến 99% dân số. VNPT cho biết, hiện có khoảng 3 triệu thuê bao sử dụng 5G.

Trong khi đó, dù chưa thương mại hóa 5G, nhưng MobiFone cũng đã cung cấp dịch vụ 5G cho khách hàng. MobiFone đang mở rộng hạ tầng viễn thông và bổ sung dải băng tần phát sóng 5G và hướng tới phát sóng 5G tại 100% các xã trên cả nước.

Theo cam kết khi trúng đấu giá băng tần, cả 3 nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone sẽ phải cung cấp dịch vụ trong vòng 12 tháng kể từ khi được cấp phép. Trong 2 năm sau khi đấu giá tần số thành công, doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G.

Việc xây dựng hạ tầng trạm 5G phụ thuộc lớn vào nhu cầu của thị trường, kế hoạch tài chính và bài toán đầu tư của doanh nghiệp, cũng như tần số, công nghệ 5G. Trong đó, nhu cầu sử dụng 5G của khách hàng là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định đầu tư hạ tầng mạng lưới 5G của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam cần mạng viễn thông phủ kín toàn quốc nhanh, nhưng doanh nghiệp chỉ “rón rén” mỗi năm phát triển khoảng 5.000 trạm. “Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đến 15% tổng giá trị đầu tư về 5G nếu nhà mạng đó làm tối thiểu 20.000 trạm 5G trong năm 2025”, ông Hùng nói.

Mục tiêu của Viettel trong năm 2025 là xây dựng vùng phủ sóng 5G đạt 50% dân số, thuê bao 5G đạt 10 triệu trong năm 2025. Viettel hiện có khoảng 66 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Internet, trong đó có khoảng 10 triệu thuê bao Viettel có thiết bị đầu cuối 5G.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Tập đoàn tập trung nguồn lực để phát triển các công nghệ hiện đại, làm chủ công nghệ lõi trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và mạng di động thế hệ mới (5G/6G).

Trong khi đó, VNPT cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm, phát triển các dịch vụ 5G nâng cao dành cho khách hàng. VNPT cũng đã quy hoạch hạ tầng số giai đoạn 2026-2030, nâng cấp, mở rộng năng lực hạ tầng công nghệ thông tin tăng 10-15% so với năm 2024.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT và các doanh nghiệp lớn trong nước đang dẫn đầu trong việc phát triển hạ tầng công nghệ số quốc gia, đặc biệt là triển khai mạng 5G, trung tâm dữ liệu và các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Những dự án này không chỉ đảm bảo sự kết nối đồng bộ, mà còn thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 57-NQ/TW, VNPT sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), với trọng tâm là các công nghệ chiến lược như AI, dữ liệu lớn, IoT, Cloud và công nghệ 5G/6G, nhằm tạo cơ sở cho đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo chuyên sâu và thu hút nhân tài trong nước lẫn quốc tế.

Còn ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch MobiFone cho biết, năm 2025, MobiFone sẽ tận dụng công nghệ, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản trị để tiến tới mục tiêu sớm trở thành doanh nghiệp công nghệ. Đồng thời, tiếp tục đầu tư vào 3 trụ cột để tạo nên năng lực cạnh tranh là hạ tầng số, phát triển đối tác, quản trị.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục