Mưa không rộng khắp
Mặc dù các khoản cho vay được hỗ trợ LS thống kê theo ngành (theo Quyết định 131/QĐ-TTg) khá rộng và thỏa đáng. NH không được từ chối hỗ trợ LS, nếu khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ. Thế nhưng khả năng một số không nhỏ DN không tiếp cận được vốn có hỗ trợ LS vì các NH không hạ thấp điều kiện vay vốn là cao.
Các lãnh đạo NH được hỏi đều khẳng định là chỉ cho vay đối với khách hàng đủ điều kiện theo Quy chế cho vay của NHNN và các quy định về thẩm định và cấp tín dụng, định giá, nhận và quản lý tài sản bảo đảm, kiểm tra, giám sát vốn vay của từng NHTM. Điều này có nghĩa chỉ những khách hàng truyền thống đang vay vốn NH (phần lớn số DN này đã được hưởng những ưu đãi nhất định về LS của NH), những khách hàng đang làm ăn tốt mới vay được vốn hỗ trợ LS.
Về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thương mại nhận định: “Điểm tích cực của chính sách này là tác động tốt đến các DN đang nằm trong vùng ranh giới của “điểm hoà vốn”. Trong điều kiện hiện nay, các DN loại này là không ít. Với lãi suất thấp, các DN có điều kiện vượt khỏi vùng nguy hiểm, duy trì sản xuất, bảo vệ việc làm”.
Còn ông Vũ Duy Thái (Hiệp hội Công thương TP Hà Nội) nói: “ Còn những DN đang khó khăn, chưa “chết hẳn” nhưng ở dạng “thoi thóp, èo uột” (số này khá nhiều) đang rất cần vốn thì khó lòng vay được vì vốn dĩ đã không đủ điều kiện để vay vốn rồi thì làm sao mà được hỗ trợ lãi suất nếu các NHTM vẫn giữ nguyên điều kiện vay?". Như vậy, hiệu quả hỗ trợ LS không đến được đông đảo DN”.
Một số ý kiến từ NHTM cho rằng muốn nhiều DN được hỗ trợ thì NHNN phải cho phép các NHTM hạ thấp một số điều kiện cho vay. Có như vậy, khoản hỗ trợ mới đến được với DN đang có những khó khăn tạm thời, chưa đủ điều kiện vay".
NHTM lo nhiều hơn mừng
Ngày 3/2/2009, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 02/2009/TT-NHNN quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ LS, văn bản lập tức có hiệu lực ngay từ ngày ký. Đây là một văn bản hướng dẫn được dư luận trong ngành đánh giá là kịp thời, đầy đủ và khá kín kẽ về cả khía cạnh pháp lý cũng như việc tác nghiệp của NHTM.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lợi ích trực tiếp của NH thì không có nhiều, nhưng trách nhiệm đối với khoản vay thì lớn.
Một số vấn đề mà các NH đang lo lắng là: sẽ xảy ra hiện tượng các DN có hợp đồng vay vốn còn trong hạn tìm cách trả nợ cũ để được vay hỗ trợ LS, khách hàng dùng sổ tiết kiệm (đang gửi dài hạn ở NH với mức LS từ 12%-18%/năm) cầm cố vay vốn LS thấp, tình trạng vay NH này trả nợ NH khác v.v…sẽ khiến các NH gặp rủi ro, đặc biệt là rủi ro về LS.
Quy định NH không được từ chối hỗ trợ LS, nếu khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ khiến nhiều khách hàng hiểu rằng cứ đến là NH phải cho vay (dù không đủ điều kiện theo chuẩn của NH). Đây cũng là thách thức không nhỏ của các NHTM.
Các NH đặc biệt lo ngại về việc khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo đối tượng được hỗ trợ LS thì việc thu hồi lãi tiền vay đã được hỗ trợ trước đó sẽ là một khó khăn lớn cho ngân hàng. Bên cạnh đó, quy định về việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với trường hợp hỗ trợ LS không đúng quy định pháp luật và bị xem xét trong việc xếp loại hàng năm, bổ sung tăng vốn điều lệ, cấp giấy phép mở mạng lưới hoạt động khiến một số NH cảm thấy trách nhiệm khá nặng nề.
Dù còn nhiều ý kiến, nhưng chính sách nào cũng cần có thời gian mới có thể đánh giá đầy đủ hiệu quả. Có lẽ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì không giải pháp nào đưa ra đạt được độ tối ưu. Chủ trương hỗ trợ LS của Chính phủ đã quyết, ngành ngân hàng đã phải gánh trách nhiệm chính để thực hiện.
Vấn đề còn lại là làm thế nào đạt được hiệu quả cao nhất. Để đạt được điều này rất cần sự lắng nghe thực tiễn, xử lý, điều chỉnh kịp thời của Chính phủ và các cơ quan quản lý đối với những vấn đề phát sinh. Chỉ có như vậy, chủ trương lớn này mới thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn.