Nới thời hạn trả nợ
Ngày 2/4/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN, có hiệu lực từ 17/5/2021, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết, Thông tư 03 quy định, các doanh nghiệp được ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ thêm 12 tháng, nhưng các doanh nghiệp du lịch khó có thể thanh toán các khoản nợ, bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi ngành du lịch vốn lao đao kể từ đầu năm 2020 vì dịch bệnh.
Hiện tại, ngành du lịch gần như bị “tê liệt”, không ít doanh nghiệp đã phá sản, tạm ngừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay, cùng với việc chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế trở lại, nên khó khăn dự kiến sẽ kéo dài. Vì vậy, bà Khánh kiến nghị, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) nên được nới lên 24 tháng.
Viết cho Báo Đầu tư, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP đề xuất: “Các ngân hàng cần giãn nợ cho doanh nghiệp ít nhất 2 năm, không giảm được lãi suất thì cũng cho chậm trả lãi ít nhất 12 tháng, đặc biệt với doanh nghiệp vùng dịch”.
Thực tế, Thông tư 03 được ban hành để gỡ khó cho doanh nghiệp, song không ít doanh nghiệp cho rằng, chẳng giúp được gì nhiều, vì thời gian tái cơ cấu nợ ngắn, trong khi tác động của dịch Covid-19 kéo dài. Đáng chú ý, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể được ngân hàng tái cơ cấu nợ, mà tùy vào sự xem xét của từng nhà băng, vốn xét duyệt các doanh nghiệp trong diện tái cơ cấu rất kỹ.
Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, số lượng khách hàng yêu cầu tái cơ cấu nợ rất lớn, song lượng đơn được xét duyệt không nhiều, vì nhiều khách hàng không nằm trong diện tái cơ cấu nợ.
Thống nhất nhóm nợ
Theo các ngân hàng, việc triển khai thực hiện Thông tư 03 đang gặp một số vướng mắc. Cụ thể, việc xác định nhóm nợ dựa trên các mốc thời gian hiệu lực của khoản vay và điều kiện xác định nhóm nợ dựa trên 3 mốc thời điểm khác nhau gồm nhóm nợ trước ngày 23/1/2020, nhóm nợ liền trước ngày thực hiện cơ cấu theo Thông tư 03, nhóm nợ trước ngày chuyển nợ quá hạn đầu tiên. Do đó, việc phân loại nợ trở nên phức tạp và khó khăn cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, công tác phân loại nợ đang được thực hiện thủ công, điều đó khó tránh khỏi việc xảy ra sai sót trong quá trình xác định nhóm nợ khách hàng.
Vì thế, các tổ chức tín dụng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét giữ nguyên nội dung của Thông tư 01 về việc giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ; thống nhất nhóm nợ được giữ nguyên là nhóm nợ được các tổ chức tín dụng phân loại nợ tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020.
Số lượng khách hàng yêu cầu tái cơ cấu nợ rất lớn, song lượng đơn được xét duyệt không nhiều
Để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện, tránh phải sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 nhiều lần (trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021), tổ chức tín dụng báo cáo và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét một số nội dung.
Thứ nhất, không quy định thời gian phát sinh nợ trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và, hoặc lãi.
Thứ hai, sửa giới hạn về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ của khoản nợ như sau: “Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021 hoặc đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm nào đến sau”.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đề nghị mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 để không gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng trong khoảng thời gian quá ngắn sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, khi ban hành Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước có lẽ không lường trước được dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp như hiện nay. Ngân hàng Nhà nước tính toán doanh nghiệp có thể hồi phục trong 12 tháng, nhưng với diễn biến khó lường của dịch bệnh và nguy cơ tác động kéo dài, cơ quan quản lý ngành ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ nhằm phù hợp hơn với diễn biến mới.
Tuy nhiên, chính sách phải đặt an toàn hệ thống ngân hàng lên hàng đầu. Bởi lẽ, bản thân các ngân hàng cũng có cái khó, vì thời gian thu hồi nợ càng lâu, tài sản bảo đảm càng giảm giá trị và tiềm ẩn nợ xấu về sau, phải tăng trích lập dự phòng.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ, nhà băng chỉ giãn nợ, gia hạn nợ với những khách hàng gặp khó khăn tạm thời, có triển vọng phục hồi.
Giảm lãi suất
Cùng với việc cơ cấu khoản vay, giảm lãi suất khoản vay hiện vẫn là nguyện vọng tha thiết của rất nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ tư.
Mới đây, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Đặng Hồng Anh đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có 2 kiến nghị liên quan đến lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.
Một là, giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm, trong đó, ngân sách nhà nước bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%. Lãi suất hiện nay đã giảm so với trước, nhưng vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được lãi suất thấp và tín dụng ưu đãi. Do đó, cơ quan quản lý cần có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%/năm, áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021.
Hai là, hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết.
Sau cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và quá trình thảo luận với Hiệp hội Ngân hàng, hầu hết các ngân hàng đã thống nhất việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất là từ tháng 7 cho đến hết năm 2021.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/5/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn thời điểm trước dịch Covid-19 với doanh số lũy kế kể từ ngày 23/1/2020 đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội tính đến cuối tháng 5/2021 đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.052.262 khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng.