Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ mở rộng thị trường thông qua thương mại điện tử

(ĐTCK) Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, mở rộng thị trường thông qua thương mại điện tử. Trong đó, rào cản lớn nhất mà các nữ doanh nhân gặp phải là thiếu kiến thức, kỹ năng sử dụng internet, công nghệ nên có nhiều hạn chế.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ mở rộng thị trường thông qua thương mại điện tử

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), sáng 4/10, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với Ban Thư ký APEC Quốc tế tổ chức Hội thảo APEC về tăng cường thúc đẩy tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) nữ thông qua thương mại điện tử.

Theo thông tin đưa ra từ ban tổ chức, hiện nay, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.

Thực tế, có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động và các MSMEs do phụ nữ làm chủ có đóng góp đáng kể vào việc tạo ra công ăn việc làm, thu nhập, giúp xóa đói, giảm nghèo.

Mặc dù việc tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế đang được đẩy mạnh, nhưng các doanh nghiệp MSMEs do nữ làm lãnh đạo vẫn thường khó tiếp cận các cơ hội kinh doanh do thiếu kiến thức, kinh nghiệm, tài chính, thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh, nguồn nhân lực, kỹ năng, năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn hơn…

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ mở rộng thị trường thông qua thương mại điện tử ảnh 1

DN nhỏ và vừa do nữ làm chủ vẫn còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận thị trường thông qua thương mại điện tử - Ảnh H.Y.

Hội thảo đã đưa ra nhiều bài học, kinh nghiệm chia sẻ quý giá từ các câu chuyện tiếp cận thị trường thông qua thương mại điện tử của các doanh nghiệp nữ ở Trung Quốc, Philippines, Newzeland, Singapore…

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, lãnh đạo nữ thường khó khăn trong tiếp cận thương mại điện tử, trong khi thời buổi công nghệ hiện nay buộc họ phải thích nghi để cạnh tranh, tồn tại và phát triển, đồng thời tham gia đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nữ tham gia tìm hiểu tiếp cận thị trường thông qua thương mại điện tử nhằm thúc đẩy phụ nữ có những biện pháp kinh doanh tốt hơn, tăng trưởng kinh tế bằng những nỗ lực thích nghi với nền kinh tế số.

Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng khẳng định, kế hoạch hành động về doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp do nữ làm chủ sẽ thúc đẩy các nữ doanh nhân tăng cường năng lực, tận dụng các cơ hội cạnh tranh hiệu quả.

Trong đó, một trong những chính sách của APEC cho nền kinh tế do phụ nữ làm chủ là thúc đẩy vai trò của họ tham gia sâu vào điều hành kinh doanh, tăng cường về nhận thức, hỗ trợ công nghệ để họ tham gia vào thương mại điện tử, làm chủ công nghệ qua đó phát triển doanh nghiệp.

Đi sâu vào những câu chuyện thực tế, GS. William Wang đến từ Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ, tại Trung Quốc, hiện nay, có nhiều phụ nữ bỏ làm thuê ở thành phố để về quê mở công ty kinh doanh qua thương mại điện tử.

GS Wang kể về câu chuyện của nữ doanh ngân Ran. Ran từng làm thuê ở Tô Châu, sau đó về quê làm cửa hàng bán hàng nông sản trực tuyến, xây dựng chuỗi cửa hàng cung cấp nông sản sạch ra thị trường mang tênV illage Online. Chuỗi sản phẩm nông sản sạch này của Ran được Taobao hỗ trợ và hoạt động khá tốt kể từ năm 2016 đến nay.

Thông qua hoạt động kinh doanh trên online, Ran đã giúp 16 hộ gia đình và 75 người dân thoát nghèo, đang có kế hoạch mở rộng cửa hàng.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ mở rộng thị trường thông qua thương mại điện tử ảnh 2

 Doanh nghiệp SMEs khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham dự hội thảo về tăng cường tiếp cận thị trường thông qua thương mại điện tử tại Hà Nội.

“Vai trò của thương mại điện tử rất lớn, nó tạo ra sân chơi toàn cầu đối với tất cả các doanh nghiệp, khách hàng có sự lựa chọn lớn về mua bán ở trên khắp thế giới.

Ứng dụng của internet kết nối người mua, người bán và người trung gian, phát triển của các chuỗi cung ứng logistic toàn cầu, tăng tuần suất của bán hàng lên nhờ thương mại hóa, qua đó tăng thu nhập cho các doanh nghiệp.

Kế hoạch hành động của kinh tế số của APEC thúc đẩy các mô hình diễn đàn chiến lược kinh doanh sáng tạo cho doanh nghiệp SMEs tham gia vào thị trường khu vực và thị trường toàn cầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng”, ông Wang nhấn mạnh.

Thương mại điện tử được coi là một trong các công cụ hiệu quả để thu hẹp khoảng cách và đối phó với các thách thức của nền kinh tế, cho phép doanh nghiệp SMEs do phụ nữ làm chủ có thể mở rộng mạng lưới kinh doanh và tăng cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong hai ngày 4 và 5/10, các đại biểu sẽ được lắng nghe ý kiến chia sẻ kinh nghiệm cụ thể từ câu chuyện của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp nhận các kiến thức, khuyến nghị để tiếp cận thị trường thông qua thương mại điện tử.

Doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm 38% doanh nghiệp SMEs của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó 65% thuộc về dịch vụ, thương mại điện tử. Có đến 90% các doanh nghiệp do nữ làm chủ là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa.

Trong khi đó, khách hàng mua bán online khu vực ASEAN là 158 triệu khách, chiếm 29% tổng dân số, con số không ngừng tăng và tiềm năng tiếp cận mở rộng thị trường online của doanh nghiệp SMEs do nữ làm chủ là rất lớn.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục