Tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn vay ngân hàng, vì thế, khi nền kinh tế thế giới và trong nước gặp có biến động tiêu cực, các doanh nghiệp đã rơi vào khó khăn, nợ xấu tăng cao. Hệ quả là cả nước có tới gần 30.000 doanh nghiệp phá sản, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 29/6/2012.
Trước hiện trạng này, các ngân hàng hầu như chỉ tập trung lựa chọn những doanh nghiệp tốt để cho vay nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng. Với các doanh nghiệp có báo cáo tài chính tốt, hoạt động kinh doanh ổn định, phương án phát triển khả thi, giao dịch lâu dài… nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn tìm mọi cách để giữ chân như giảm lãi suất vay, giảm phí dịch vụ, tặng voucher du lịch, phiếu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho lãnh đạo cấp cao… Có thể kể ra những cái tên lớn đã và đang thực hiện các ưu đãi này là Techcombank, Sacombank, MB…
Nhìn chung, phương thức phổ biến nhất mà các ngân hàng đang sử dụng để chăm sóc khách hàng là giảm lãi suất, vì được doanh nghiệp phản ứng nhiệt tình. Ở khía cạnh nào đó, ngân hàng cũng coi đây là cách hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây không phải là cách tối ưu nhất để ngân hàng “giữ chân” được doanh nghiệp, cũng như giúp doanh nghiệp “khỏe hơn”.
“Ưu đãi về lãi suất thực sự hấp dẫn chúng tôi. Tuy nhiên, nó chỉ có tính chất nhất thời, chỉ tạo ra tính cạnh tranh cho ngân hàng ở thời điểm nào đó. Khi hết khuyến mại, hết ưu đãi, doanh nghiệp sẽ tìm đến ngân hàng khác. Để gắn bó lâu dài với nhau, ngân hàng cần có chính sách và phương thức hỗ trợ doanh nghiệp mang tính dài hạn”, bà Lê Thị Nhã, Phụ trách tài chính, Công ty TNHH Samku Vina nói.
Theo bà Chu Thị Diễm Huỳnh, Giám đốc Tài chính CTCP Công nghệ tự động Tân Tiến, những ưu đãi về lãi suất là cần thiết, nhưng có những ưu đãi không đo đếm được, nhưng lại rất thiết thực với doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. “Hội thảo tư vấn về thuế doanh nghiệp do Ngân hàng Techcombank và Enrst & Young tổ chức tháng 9 vừa qua tại Khách sạn Sheraton TP. HCM đã giúp chúng tôi đã có đầy đủ thông tin về chính sách mới nhất, được giải đáp thắc mắc trong quá trình thực hiện. Quan trọng hơn nữa, chúng tôi biết được phải làm thế nào để thực hiện đúng chính sách, đồng thời vẫn quản lý hiệu quả chi phí thuế”, bà Huỳnh nói.
Ngoài ưu đãi lãi suất, Techcombank còn cung cấp cho các doanh nghiệp giải pháp đồng bộ để sử dụng vốn hiệu quả - Ảnh: Internet
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phụ trách tài chính, Công ty Citicom cho biết, bà đánh giá cao những lợi ích mang tính hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững như các hoạt động tư vấn quản lý doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau hơn là ưu đãi lãi suất. Điều này không phải ngân hàng nào cũng thực hiện được vì nó đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc với khó khăn của doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp lâu dài để doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Việc tìm hiểu khó khăn của doanh nghiệp để đưa ra những hỗ trợ hợp lý cần có sự đầu tư lớn về thời gian, nguồn lực và cả tài chính. Để tạo ra được sự khác biệt trong việc chăm sóc khách hàng, các ngân hàng cần phải có “tâm” và có “tầm”. Phương thức mà Techcombank đang thực hiện không phải là mới, nhưng nhà băng này đang chứng tỏ cái “tầm” và sự khác biệt bằng việc đưa ra gói sản phẩm gồm nhiều dịch vụ tài chính, tư vấn quản trị và phát triển doanh nghiệp một cách đồng bộ và khôn ngoan để giành được sự tin tưởng doanh nghiệp.
“Giảm lãi suất không phải là biện pháp duy nhất hỗ trợ doanh nghiệp. Một trong những hoạt động mà Techcombank đã và đang làm là cung cấp cho doanh nghiệp những giải pháp tài chính đồng bộ nhằm giúp họ sử dụng vốn hiệu quả hơn”, ông Simon Morris, Tổng giám đốc Techcombank nói.
Phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy, giải pháp của Techcombank đang có hiệu quả. Ít nhất, doanh nghiệp cũng cảm nhận được sự tận tâm của Ngân hàng thay vì những lời hứa hẹn “giảm phí, giảm lãi” nhất thời.
Hoài Thu