Hồ Thái Bình, Giám đốc Survival Skills Vietnam (SSVN): Lan tỏa kiến thức cứu người và cứu mình

0:00 / 0:00
0:00
Không xuất thân từ ngành y, nhưng với tài năng kinh doanh và khát khao cống hiến, Hồ Thái Bình cùng các cộng sự đã thành lập Survival Skills Vietnam để lan tỏa kiến thức sơ cấp cứu đến cộng đồng.
Hồ Thái Bình, Giám đốc Survival Skills Vietnam (SSVN): Lan tỏa kiến thức cứu người và cứu mình

Cung cấp, đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu cho người Việt

Đến bây giờ, Hồ Thái Bình vẫn nhớ như in những lần gặp tai nạn khi còn nhỏ. Bình kể với chúng tôi rằng, anh từng bị nạn nghiêm trọng tới 4 - 5 lần, nhưng nhờ có mẹ làm trong ngành y và biết kỹ thuật sơ cứu kịp thời, nên đã thoát khỏi tay tử thần.

Sau này, khi đi du học tại Australia, chàng trai sinh năm 1990 mới nhận ra, người Việt thiếu các kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản và không phải trường hợp nào gặp nạn cũng may mắn như anh.

Sơ cấp cứu là hoạt động hỗ trợ ban đầu đối ᴠới người gặp nạn, bị thương tích, bệnh cấp tính trước khi có sự can thiệp của y tế chuyên nghiệp. Tại nhiều quốc gia, sơ cấp cứu được xem là kiến thức cần thiết, cần giảng dạy cho học sinh ngay từ bậc tiểu học hoặc trung học. Nhưng với Việt Nam, chỉ đến khi học chương trình quân sự ở bậc phổ thông trung học, các em mới được tiếp xúc những kiến thức cơ bản này.

Sự thiếu hụt kiến thức sơ cấp cứu trong cộng đồng đã dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc. Khoảng năm 2016, khi đang là tình nguyện viên tại Dự án phi lợi nhuận Survival Skills Vietnam (Kỹ năng sinh tồn Việt Nam), Bình được nghe câu chuyện buồn của một học sinh trung học. Cha em ấy mất 2 tháng trước đó vì ngưng tim bất ngờ, mà trong gia đình không ai biết kỹ năng ép tim, phổi. Khi xe cấp cứu đến nơi thì mọi chuyện đã muộn.

“Người Việt vẫn nghĩ kiến thức sơ cấp cứu chỉ dành cho bác sĩ, nhưng thực tế, trong nhiều trường hợp, chúng ta chỉ có 8 phút để cứu người. Tại các nước đang phát triển, xe cấp cứu không thể đến nơi trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Học kiến thức sơ cấp cứu là học cho người và cho mình. Khi biết kiến thức sơ cấp cứu, mình mới có thể hỗ trợ người khác và ngược lại, nếu mình không may gặp nạn, mọi người mới giúp được mình”, Bình chia sẻ

Năm 2017, Bình chính thức tham gia thành lập Doanh nghiệp xã hội Survival Skills Vietnam (SSVN) cùng với 2 thành viên đồng sáng lập đầu tiên của Dự án là chị Trang Jena Nguyễn và Tony Coffey, chuyên gia cấp cứu ngoại viện người Australia. Với kinh nghiệm và khả năng kinh doanh tích lũy trước đó, anh đảm nhiệm chức vụ Giám đốc, hai thành viên còn lại là Phó giám đốc, phụ trách chuyên môn.

SSVN hướng tới cung cấp, đào tạo các khóa học sơ cấp cứu và các lớp kỹ năng sống quan trọng cho doanh nghiệp, người lớn và trẻ nhỏ, với sứ mệnh giảm thương vong có thể phòng tránh được tại Việt Nam. Đến nay, chứng nhận của SSVN đã được công nhận cho mục đích xin việc, nhập cư, hành nghề… tại nhiều doanh nghiệp quốc tế và nhiều quốc gia. Từ năm 2022, chứng nhận đào tạo sơ cấp cứu và cứu hộ thủy nạn của SSVN được công nhận bởi Surf Life Saving Services - tổ chức cứu hộ thủy nạn lớn nhất tại Australia.

Mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội

SSVN được xếp vào nhóm doanh nghiệp tạo tác động xã hội (Social Impact Business - SIB) tại Việt Nam, khái niệm để chỉ những doanh nghiệp kết hợp giữa mô hình kinh doanh thương mại và mục tiêu tạo tác động tích cực đối với xã hội.

Khi được hỏi vì sao quyết định chuyển từ dự án phi lợi nhuận sang mô hình SIB, Giám đốc Hồ Thái Bình cho biết, đây là cách duy nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững. Giai đoạn hoạt động dưới dạng dự án phi lợi nhuận, mọi hoạt động của SSVN đều do những nhà sáng lập tự bỏ tiền túi ra. Nhưng sau đó, khi kiến thức sơ cấp cứu ngày càng được nhiều người quan tâm hơn, nguồn lực cá nhân không đủ để hoạt động, Bình và các thành viên trong nhóm phải nghĩ cách để đi đường dài và thực hiện những mục tiêu đã đặt ra.

Đến nay, SSVN đã xây dựng được các kênh chia sẻ kiến thức sơ cấp cứu online tới cộng đồng, thông qua Fanpage, YouTube, website cũng như chương trình e-learning học lý thuyết chuyên sâu từ xa. SSVN thu phí với các khóa học thực hành tại chỗ, do chi phí tổ chức tốn kém, cần nhiều giáo viên để hướng dẫn từng học viên. Lợi nhuận từ hoạt động này được SSVN dùng vào hoạt động hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương hoặc những người chăm sóc đối tượng dễ bị tổn thương như học sinh, sinh viên, người khuyết tật, giáo viên hoặc người chăm sóc người khuyết tật, những người làm công tác cứu hộ thiện nguyện…

Mỗi năm, đội ngũ giảng viên của SSVN - đa phần là những người xuất thân trong ngành y tế, sẽ được chuyên gia nước ngoài đạo tạo lại để nắm được kiến thức mới nhất trong lĩnh vực sơ cấp cứu. Tương tự, giáo trình dạy học cũng liên tục được cập nhật theo chuẩn quốc tế.

Bình tự hào cho biết, dù chưa thể thay đổi nhận thức của toàn bộ cộng đồng, nhưng từ năm 2015 đến nay, SSVN đã giúp 100.000 người tiếp cận các kiến thức về sơ cấp cứu, trong đó 1/3 học theo hình thức truyền thống và 2/3 học online. Nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện đăng ký các khóa học của SSVN theo từng năm cho nhân viên.

Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, không thể triển khai các lớp thực hành kỹ năng khiến nguồn thu bị suy giảm nghiêm trọng, SSVN đang dần hồi phục. Với sự ủng hộ, quan tâm của các tổ chức trong nước cũng như quốc tế cho nhóm doanh nghiệp SIB nói chung, Giám đốc SSVN tin rằng, họ sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của năm nay.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục