Hồ sơ Panama và cái nhìn về “Thiên đường trốn thuế”

(ĐTCK) Báo chí đồng loạt nhắc đến tên của nhiều người Việt trong “Hồ sơ Panama” cùng với các ẩn ý cáo buộc hay các thanh minh công khai về việc tại sao một số cái tên xuất hiện trong hồ sơ này. Bài viết này mong muốn gửi đến độc giả một cách tiếp cận nhiều chiều cho một vấn đề mang tính toàn cầu hóa này.
Hồ sơ Panama và cái nhìn về “Thiên đường trốn thuế”

Thiên đường thuế ở đâu?

Những quốc gia, bang hay vùng lãnh thổ mà Hồ sơ Panama đề cập đến thường được coi là các “Thiên đường thuế”. Tuy nhiên, “Thiên đường thuế” không chỉ ở các đảo quốc xa xôi có chế độ tự trị (autonomy territories) như Bermuda, British Virgin Island (BVI), Cayman Islands, hay Hong Kong và Macau, mà nằm ngay ở các nước phát triển như bang Delaware và Puerto Rico (Hoa Kỳ), Jersey và Isle of Man (Vương Quốc Anh), Thụy Sỹ, Hà Lan và Luxembuourg. Ngay cả Singapore cũng được xếp vào nhóm này.

Tùy theo cách nhìn khác nhau mà hiện nay trên thế giới có khoảng 50 quốc gia (1), bang hoặc vùng lãnh thổ được coi là “Thiên đường Thuế”. 

Đây là những nơi không đánh thuế, hay đánh thuế rất thấp đối với các công ty chỉ có đăng ký hoạt động tại đây, mà không hoặc hầu như không có hoạt động kinh doanh và nguồn thu nhập từ chính nơi đó hoặc theo các điều kiện cụ thể khác mà các công ty có thể vận dụng để hưởng lợi nhiều nhất từ việc giảm số thuế phải nộp.

Luật sư Lương Văn Trung, Công ty Luật Lexcomm Vietnam LLC 

Thiên đường thuế và SPV

Hầu hết các “Thiên đường thuế” được biết đến như là các những nơi mà việc đăng ký kinh doanh và yêu cầu báo cáo cho cơ quan quản lý hết sức đơn giản như:

(i) bất kỳ ai trên thế giới có hộ chiếu và bằng chứng về nơi cư trú (địa chỉ gửi hóa đơn điện thoại cố định, điện, nước hay giao dịch với ngân hàng) và không cần đặt chân đến lãnh thổ đó dù chỉ 1 lần duy nhất;

(ii) trụ sở đăng ký không cần phải thuê và có nhân viên;

(iii) không cần chứng minh năng lực tài chính và thời hạn góp vốn, mà chỉ cần đăng ký các mức vốn tối đa (authorised capital) để tính mức phí đăng ký hàng năm;

(iii) báo cáo tài chính hàng năm không phải kiểm toán và thậm chí không phải nộp;

(iv) báo cáo hoạt động hằng năm chỉ cần hai nội dung cơ bản là công ty đó hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ đăng ký và tuân thủ luật pháp của lãnh thổ đó.

Hầu hết những nơi này coi việc đăng ký công ty trên lãnh thổ của họ là một nguồn thu nhập bằng việc thu phí đăng ký (lần đầu và hàng năm), tạo công ăn việc làm cho các luật sư và các công ty làm dịch vụ đăng ký công ty, dịch vụ công ty (corporate services), cho việc dùng trụ sở đăng ký, lưu giữ hồ sơ gốc của công ty (như ở Cayman Islands là bắt buộc), báo cáo hoạt động hàng năm và thậm chí “cho thuê” thành viên hội đồng quản trị (director).

SPV là viết tắt của từ tiếng Anh Special Purpose Vehicle, tạm dịch sang tiếng Việt là "các công cụ phục vụ mục đích đặc biệt".

Ngoài sự tiện lợi và chi phí thấp (khoảng 800 - 1.500 USD) cho việc thành lập, phí dịch vụ công ty (khoảng 1.000 - 4.000 USD) như trên, việc “đánh trống ghi tên” đối với bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào mà không cần điều kiện về nhân lực hay kỹ thuật cũng là một điểm hấp dẫn (miễn là hoạt động kinh doanh đó phải được tiến hành ngoài lãnh thổ đó).

Bởi vậy, trong các giao dịch quốc tế, việc thành lập các công ty ở những nơi này, trước hết là để thực hiện một hoặc một số giao dịch cụ thể. Đó là lý do vì sao những công ty này được coi là Special Purpose Vehicle (SPV – các công cụ phục vụ mục đích đặc biệt).

Một số mục đích đặc biệt (cụ thể) của SPV như để tham gia vào một giao dịch mua bán tài sản hoặc cổ phiếu hoặc một dự án đầu tư ở một quốc gia khác vì (i) tách bạch hạch toán và tài khoản; (ii) thời gian và chi phí cho việc thành lập, quản lý và báo cáo thấp hơn hẳn việc làm tương tự tại chính quốc; (iii) khi cần thoái vốn, có thể bán SPV mà không mất thời gian và chi phí đánh giá hoạt động kinh doanh, tài chính, rủi ro tiềm ẩn của SPV đó (due diligence) cũng như việc đăng ký chuyển nhượng SPV đó.

Trong các giao dịch quốc tế, việc thành lập các công ty ở những "thiên đường thuế", trước hết là để thực hiện một hoặc một số giao dịch cụ thể. Đó là lý do vì sao những công ty này được coi là SPV.

Đặc biệt hơn, trong thực tiễn tài trợ tài chính cho các giao dịch lớn như dự án hạ tầng, năng lượng, mua máy bay, tàu thủ…, bên tài trợ thường coi việc tách bạch mảng kinh doanh và “dọn dẹp quá khứ” của chủ dự án (bên được tài trợ) là một trong những điều kiện tiên quyết cho việc tài trợ. Điều kiện này chỉ có thể được đáp ứng bằng một công cụ là SPV.

Thật đáng tiếc là do những quy định dễ dãi của mình, các “Thiên đường thuế” thường được thế giới tội phạm kinh tế sử dụng, làm cho tốt-xấu, trắng-đen lẫn lộn, chứ tự thân nó không phải là một sự xấu xa hay phi pháp.

SPV và quỹ đầu tư nước ngoài (offshore funds)

Đối với việc huy động vốn trên toàn cầu, SPV thường là công cụ phổ biến đối với việc huy động vốn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp hay cá nhân giàu có - là những đối tượng mà ít quốc gia yêu cầu người huy động vốn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nhân sự, cơ sở vật chất, vốn và quy trình quản trị rủi ro như với các công ty huy động vốn từ đại chúng trong quốc gia đó. Vậy tại sao không phải là lập tại Việt Nam? Câu trả lời khá rõ, vì những sự tiện lợi như đã nêu ở trên.

Lý do quan trọng hơn, theo quan điểm cá nhân của tác giả, là sự tương đồng về mặt pháp luật (ít nhất là luật doanh nghiệp) giữa các “Thiên đường Thuế” với quốc gia có nhà đầu tư. Điều này có thể chứng minh hầu hết các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều được thành lập ở những nơi này.

SPV và đầu tư vào Việt Nam

Đối với mục đích đầu tư vào Việt Nam, SPV còn là cách để dung hòa các yếu tố khác biệt về luật doanh nghiệp giữa Việt Nam với chủ sở hữu SPV.

Việc một số công ty lớn có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không hoặc đóng ít thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam không hẳn là do SPV, mà có thể là do vấn đề chuyển giá hay cách hạch toán của họ

Ví dụ (i) Luật Doanh nghiệp Việt Nam không cho phép phân loại cổ phiếu theo nhóm với các quyền và nghĩa vụ khác nhau (ví dụ nhóm A chỉ có quyền và nghĩa vụ cho khoản đầu tư A, nhóm B chỉ có quyền và nghĩa vụ đối với mảng kinh doanh B, nhóm C có thể được công ty mua lại cổ phiếu …);

(ii) số cổ phiếu hay vốn góp có quyền biểu quyết tối thiểu theo luật Việt Nam là 51% để tổ chức đại hội đồng cổ đông hay hội đồng thành viên lần đầu, trong khi luật của nhiều quốc gia là 20%;

(iii) HĐQT công ty cổ phần tại Việt Nam phải có ít nhất 3 thành viên, trong khi nhiều quốc gia cho phép 1 thành viên;

(iv) Việt Nam chưa chính thức thừa nhận toàn bộ giá trị pháp lý của thỏa thuận giữa các thành viên hay cổ đông trong các công ty, trong khi luật của nhiều quốc gia lại thừa nhận...

Trong khi đó, việc đầu tư trực tiếp hay gián tiếp thông qua SPV đều phải chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam trước khi chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài, với quy định về quản lý ngoại hối rất chặt chẽ thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp.

Việc một số công ty lớn có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không hoặc đóng ít thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam không hẳn là do SPV, mà có thể là do vấn đề chuyển giá hay cách hạch toán của họ (nếu họ thực sự có thể có lãi nhiều hơn).

Các cơ quan quản lý chắc chắn có số liệu về việc rất nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại Mỹ, Pháp, Đức, Anh và nhiều nước phát triển đã lập SPV để làm nhà đầu tư vào các dự án hay công ty của họ tại Việt Nam. Việc này không phải là điều đáng báo động.

SPV và 9,3 tỷ USD chuyển ra khỏi Việt Nam

Trong thời toàn cầu hóa, các doanh nhân Việt Nam cũng cần biết sử dụng SPV một cách hiệu quả và hợp pháp như phân tích ở trên nhằm phục vụ cho việc đầu tư quốc tế của họ.

Google đã trốn 2,4 tỷ USD tiền thuế trên toàn cầu trong năm 2014; Apple có thể phải trả 59,2 tỷ USD thuế nếu chuyển khoảng 181 tỷ USD tiền mặt hiện đang được hãng giữ ở nước ngoài về Mỹ;  Microsoft cũng đang giữ lượng tiền mặt ở nước ngoài lên đến 108 tỷ USD.

Việc thành lập một SPV thường ít hơn 5.000 USD, nên không ai phải đăng ký và xin phép để thanh toán chi phí, do đây là mức ngoại tệ được phép mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam mà không cần xin phép (hoặc có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng). Nhưng trên mức đó, việc vận chuyển, chuyển khoản, thanh toán đều được giám sát hết sức chặt chẽ.

Bởi vậy, nếu có chuyện một tỷ lệ rất lớn trong số 9,3 tỷ USD được đưa ra khỏi Việt Nam một cách bất hợp pháp, không thể quy kết cho các SPV được, vì SPV không bao giờ là công cụ đóng vai trò thành bại trong việc đưa ngoại tệ ra khỏi biên giới.

Cái giá của toàn cầu hóa và thất thu thuế

Không thể phủ nhận là “Thiên đường thuế” và SPV đã được nhiều cá nhân và tổ chức sử dụng để giảm số tiền thuế phải nộp (hoặc trốn thuế).

Đây là một trong những mặt trái của toàn cầu hóa xét từ lợi ích của một quốc gia cụ thể. Ngay cả nước Mỹ, là quốc gia có hệ thống quản lý thuế chặt chẽ nhất, có những tập đoàn hàng đầu như Facebook, Google hay Apple lại là những “thiên tài trốn thuế”  (2) dễ dàng lợi dụng sự sơ hở về luật của nước này để né thuế ở nước kia.

Chẳng hạn, Google đã trốn 2,4 tỷ USD tiền thuế trên toàn cầu trong năm 2014 bằng cách chuyển 12 tỷ USD doanh thu tại thị trường ngoài Mỹ tới một công ty ở Bermuda - một báo cáo của Hội đồng Thương mại Hà Lan công bố mới đây khẳng định (3).  

Hồ sơ Panama và cái nhìn về “Thiên đường trốn thuế” ảnh 4

 Ảnh minh họa: Internet

Hay Apple hiện đang nắm giữ khoảng 181 tỷ USD tiền mặt ở nước ngoài, thống kê cho biết, hãng sản xuất smartphone này sẽ phải trả 59,2 tỷ USD nếu chuyển số tiền đó về. Microsoft cũng là tên tuổi lớn của làng công nghệ đang trốn thuế bằng cách tương tự, với lượng tiền mặt ở nước ngoài lên đến 108 tỷ USD (4).

Nhưng cần lưu ý rằng, những “thiên tài trốn thuế” nêu trên vẫn đang “bình an vô sự” trước các nỗ lực điều tra và cáo buộc của các chính phủ như Mỹ, Anh và nhiều nước khác. Vì sao vậy? Vì đơn giản là họ đã làm không sai với luật pháp ở những nước mà họ phải tuân thủ. Theo báo The Guardian, Thụy Sỹ, Hong Kong và Mỹ là “Top 3” “thiên đường thuế” cho những người giàu (5).

“Con dao lương thiện”

Một doanh nhân Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama đã ví SPV như con dao và tùy vào người dùng.

Đối với quản lý nhà nước, cần có các chính sách quản lý hiệu quả về ngoại hối, đầu tư vào Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài, chuyển giá để SPV của doanh nhân Việt Nam phát huy được mặt tích cực của nó và hạn chế mặt tiêu cực của nó. Tuy nhiên, nếu một số doanh nhân Việt Nam sử dụng SPV vì một số mục đích trái pháp luật như chuyển tiền ra nước ngoài bằng các hợp đồng giả cách, thực hiện thanh toán tại nước ngoài cho những giao dịch tài sản hay cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cần đánh giá lại một cách khách quan là tại sao lại để cho xu hướng sử dụng SPV như vậy ngày càng nhiều, thậm chí là SPV đó hướng đến những quốc gia có mức thuế cao hơn Việt Nam.

Thông tin những trang web cho bạn đọc tìm hiểu thêm :
1.https://en.wikipedia.org/wiki/Tax_haven   
2.http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/291028/dai-gia-cong-nghe-google-facebook-thien-tai-tron-thue.html
3.http://vneconomy.vn/cuoc-song-so/google-tron-24-ty-usd-tien-thue-nhu-the-nao-20160220124951143.html    4.http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/291028/dai-gia-cong-nghe-google-facebook-thien-tai-tron-thue.html  5.http://www.theguardian.com/us-news/2016/apr/06/panama-papers-us-tax-havens-delaware 

Luật sư Lương Văn Trung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục