Hổ mang oằn mình nôn ra chai nhựa

Chiếc chai quá to so với cơ thể khiến con rắn hổ mang mất nhiều thời gian để nhả dị vật nó nuốt nhầm vì tưởng là thức ăn.

Parveen Kaswan, cán bộ Cơ quan Lâm nghiệp chia sẻ video 48 giây ghi lại cảnh rắn hổ mang quằn quại trên mặt đất với phần bụng căng phồng trước sự kinh hãi của dân làng ở Ấn Độ.

Một người đàn ông dùng chiếc gậy dài chọc nhẹ vào cơ thể con rắn để kích thích nó nôn ra chai nhựa trong bụng. Video thu hút hơn 63.000 lượt xem và gần 2.000 lượt bình luận từ hôm 10/1.

Theo Kaswan, video này cho thấy những mối nguy hiểm của ô nhiễm rác thải nhựa đối với động vật hoang dã.

Kaswan nhấn mạnh rắn hổ mang sống sót nhờ khả năng nôn ra những đồ vật lớn "nhưng các loài động vật khác thì không. Chúng sẽ chết trong đau đớn".

Ấn Độ thải ra hơn 25.000 tấn nhựa mỗi ngày, 40% trong số đó bị vứt bừa bãi ra môi trường, theo Ủy ban kiểm soát ô nhiễm trung ương.

"Điều này thật kinh khủng. Hãy ngừng sử dụng hoàn toàn nhựa dùng một lần. Nếu không thể, ít nhất chúng ta cần có trách nhiệm hơn khi vứt rác", Kadambini Sharma, người đọc bản tin trên kênh Indian TV, kêu gọi.

Rắn hổ mang Ấn Độ có tên khoa học Naja naja. Loài rắn này phân bố chủ yếu ở tiểu lục địa Ấn Độ và nằm trong nhóm "tứ đại" rắn độc cùng với rắn cạp nia, rắn hổ bướm và rắn lục hoa cân.

Rắn hổ mang sinh sống ở vùng đồng bằng, rừng nhiệt đới, cánh đồng và khu vực đông dân cư. Chúng thường ăn động vật gặm nhấm, cóc, ếch, chim và các loài rắn khác.

Chế độ ăn chuột dẫn chúng đến khu vực sinh sống của con người bao gồm trang trại hay vùng ngoại ô. Nọc độc của rắn hổ mang chúa chứa độc tố thần kinh và chất độc gây hại cho tim.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục