Quan ngại trên được các đại biểu Quốc hội tập trung mổ xẻ trong hai ngày 2 - 3/11, khi Quốc hội thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Định giá 100 tỷ đồng nhưng hạ xuống 70 tỷ đồng?
“Thất thoát tài sản của Nhà nước thông qua cổ phần hóa là không nhỏ, trách nhiệm thuộc về ai?”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi. Theo ông Cương, cổ phần hóa đi liền với đó là thoái vốn nhà nước, giá trị đất đai - phần còn lại chủ yếu của DNNN khi cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đã bị trục lợi, mà kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới đây là một ví dụ.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đưa ra thời hạn cụ thể phải hoàn thành tái cơ cấu DNNN và phải tuân thủ lộ trình đề ra. Đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) đề nghị, năm 2017 phải tập trung cao độ cho việc cơ bản hoàn thành tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước gắn với đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN.
“Người bạn làm ở một doanh nghiệp vừa được cổ phần hóa cho biết, việc cổ phần hóa và thoái vốn DNNN đối với doanh nghiệp của địa phương là do Sở Tài chính chủ trì. Đơn vị thực hiện đánh giá và định giá tài sản do Sở Tài chính chỉ định hay lựa chọn. Việc định giá trước khi công bố được báo cáo Sở, giá trị ví dụ như xác định là 100 tỷ đồng thì Sở nói làm gì mà cao thế, chỉ khoảng 70 tỷ đồng thôi. Vậy là doanh nghiệp cổ phần hóa và doanh nghiệp định giá phải lo điều chỉnh theo ý của Sở và phải quên đi kết quả mà họ đã xác định. Vậy giá trị vênh giữa giá trị thật và giá trị điều chỉnh ai hưởng, sự thật việc đó đến đâu, xin dành cho cơ quan thanh tra, điều tra làm rõ”, ông Cương nói.
Cần tăng giám sát từ Quốc hội
Để tránh thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, cũng như để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa diễn ra nhanh và hiệu quả hơn, các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều đề xuất, trong đó đáng chú ý là đề nghị tăng hoạt động giám sát từ Quốc hội.
Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng đề án đánh giá và làm rõ bài học cũng như nguyên nhân của việc đổi mới, sắp xếp DNNN trong những năm qua. Trong đó, làm rõ danh mục DNNN; xác định những DNNN mà Nhà nước cần nắm giữ và đầu tư; những doanh nghiệp cần sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kế hoạch, tiến độ sắp xếp số doanh nghiệp trong từng năm và quy định thời gian kết thúc, đồng thời kèm theo các giải pháp cụ thể.
“Đề nghị Quốc hội trên cơ sở xem xét thảo luận các đề án, chính sách, giải pháp cụ thể do Chính phủ trình để ban hành một nghị quyết chuyên đề về đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN một cách cụ thể, ràng buộc về phạm vi, nguyên tắc các nội dung danh mục, chính sách, tiến độ thực hiện, trách nhiệm cụ thể của từng cấp và từng ngành, địa phương và doanh nghiệp; chỉ đạo và thực hiện giám sát chuyên đề đối với các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn đang hoạt động kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng, cơ quan dân cử trong từng khâu và từng giai đoạn trong thực hiện cổ phần hóa DNNN; giao trách nhiệm Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện hàng năm; các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm thẩm tra, giám sát để thúc đẩy kiểm soát, điều chỉnh các hoạt động trên thực tiễn một cách hiệu quả”, bà Tâm đề xuất.
Để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) đề nghị sớm hình thành cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, tách bạch chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng chủ sở hữu.
“Cần mạnh dạn thoái vốn tại các DNNN, chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết liên quan đến an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh, phúc lợi. Thoái vốn sẽ giúp Nhà nước thế vốn nhà nước bằng vốn tư nhân. Hiện nay, vốn trong dân, trong ngân hàng nhiều nhưng thiếu cơ hội đầu tư”, đại biểu Lê Quân (Hà Nội) nói.