Tính đến ngày 30/9/2024, HIPT đã đầu tư chứng khoán hơn 223 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng tài sản (992,7 tỷ đồng) và phải trích lập dự phòng giảm giá 44,4 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2024, HIPT đầu tư vào cổ phiếu PGI, TPB, VTO, VNS, CTT và nhiều mã khác.
Ông Lê Hải Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HIPT chia sẻ, trong những tháng gần đây, Công ty ít giao dịch nên các cổ phiếu trong danh mục không có nhiều thay đổi.
Trước đó, Ban lãnh đạo HIPT quyết định đầu tư chứng khoán từ năm 2021 - 2022, khi hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn và cải thiện hiệu quả hoạt động chung.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, HIPT liên tục phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, với giá trị hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Theo lý giải của ông Đoàn, HIPT tham gia đầu tư vào đúng giai đoạn VN-Index ở mức đỉnh, quanh 1.500 điểm, sau đó thị trường rơi mạnh xuống dưới 1.300 điểm, nên phải trích lập dự phòng dù Công ty đã thực hiện cơ cấu lại các khoản đầu tư. Điểm tích cực là các doanh nghiệp mà HIPT đầu tư thường chi trả cổ tức đều đặn, riêng năm 2023, giá trị cổ tức mà Công ty nhận được là 15 tỷ đồng.
HIPT hoạt động chính trong hai lĩnh vực: cung cấp giải pháp công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Trong quý II niên độ tài chính 2024 - 2025, tức quý III/2024, Công ty đạt 176,4 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ sau thuế 4,3 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 15,7 tỷ đồng). Nguyên nhân thua lỗ là do nhiều dự án mới triển khai, chưa ghi nhận doanh thu, trong khi phải tăng trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi.
Luỹ kế 2 quý đầu niên độ tài chính 2024 - 2025, HIPT đạt 375,6 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 4,4 tỷ đồng, giảm gần 81% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý III/2024, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của HIPT là 254,3 tỷ đồng, chiếm gần 26% tổng tài sản. Công ty trích lập dự phòng 53,4 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi, tăng thêm gần 14 tỷ đồng so với cuối quý II.
Năm tài chính 2024 - 2025 (1/4/2024 - 31/3/2025), HIPT đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng. Đánh giá chung về thị trường công nghệ thông tin, ông Lê Hải Đoàn cho rằng, tình hình thị trường nội địa sắp tới có thể tiếp tục khó khăn, nhưng Công ty sẽ phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Theo ông Đoàn, nhiều công ty công nghệ thông tin đều gặp khó khăn khi kinh doanh tại thị trường nội địa, thậm chí thua lỗ lớn. Các doanh nghiệp có lãi chủ yếu nhờ đẩy mạnh đầu tư trong quá khứ nên hiện tại đang được “hái quả”.
Thực tế, lĩnh vực công nghệ thông tin liên quan đến tư vấn, nhiều doanh nghiệp, tổ chức sẵn sàng ký các hợp đồng có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng với đối tác nước ngoài, nhưng hiếm có khách hàng chịu chi vài tỷ đồng ký kết tư vấn với công ty trong nước.
Đối với HIPT, thế khó của doanh nghiệp là đang có sự “dang dở”, tức quy mô không quá nhỏ nhưng chưa đủ để có thể đầu tư các dự án lớn. Do đó, Công ty muốn tăng vốn, giữ lại lợi nhuận để có nguồn tiền đầu tư những dự án tầm cỡ.
Vào tháng 6/2024, HIPT đã thông qua việc triển khai phát hành gần 22,6 triệu cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá 8.000 đồng/cổ phiếu. Với giá trị huy động dự kiến hơn 90 tỷ đồng, HIPT sẽ bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động kinh doanh và thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như đơn hàng cho nhà cung cấp. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện chưa có nhiều tiến triển.
“Trong giai đoạn chưa đủ tiềm lực, chưa tìm thấy dự án phù hợp, Công ty sẽ tạm thời đầu tư vào chứng khoán để giữ tiền và coi đó là kênh đầu tư an toàn, sinh lời ở mức vừa phải. Nếu thị trường quay lại ngưỡng 1.500 điểm như lúc chúng tôi bắt đầu đầu tư thì kỳ vọng sẽ có lãi trở lại”, ông Đoàn nói.