Hình thái mới của nghề môi giới chứng khoán

(ĐTCK) Anh Minh từng là nhân viên môi giới chính thức của CTCK X, nhưng sau khi nghỉ việc, anh vẫn thực hiện hoạt động môi giới cho công ty này trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh và hưởng tỷ lệ hoa hồng.
Công việc chính của môi giới chứng khoán là tư vấn cho khách hàng đầu tư      an toàn, hiệu quả Công việc chính của môi giới chứng khoán là tư vấn cho khách hàng đầu tư an toàn, hiệu quả

Hợp tác kinh doanh

Anh Minh chia sẻ, CTCK X thuộc Top 10 về thị phần môi giới, trả cho anh tỷ lệ hoa hồng 50% từ phí dịch vụ môi giới chứng khoán của khách hàng. Về nguyên tắc, khi một nhân viên môi giới nghỉ việc, các tài khoản của khách hàng sẽ được bàn giao lại cho môi giới khác phụ trách. Tuy nhiên, nếu nhân viên môi giới cũ đã tạo được mối quan hệ gắn bó với khách hàng và có đề nghị hợp tác kinh doanh, thì các CTCK thường lựa chọn hình thức hợp tác này, bởi công ty lo ngại khách hàng sẽ chuyển tài khoản sang CTCK khác.

Theo anh Minh, nhân viên chính thức được hưởng lương cố định và phần lương kinh doanh tính theo tỷ lệ phần trăm từ phí giao dịch của khách hàng. Tỷ lệ hoa hồng này thấp hơn tỷ lệ mà CTCK ký dưới hình thức hợp tác kinh doanh. Nếu doanh số đủ lớn thì mức chênh lệch giữa hoa hồng cho môi giới độc lập và môi giới chính thức có thể cao hơn lương cứng. Nhưng thông thường, phần lương cố định cộng với các phúc lợi xã hội khác của các CTCK cao hơn chênh lệch doanh số nói trên và điều quan trọng là có sự chắc chắn trong thu nhập hàng tháng. Bởi lẽ, không phải lúc nào thị trường cũng giao dịch sôi động.

Bên cạnh hình thức hợp tác với nhân viên cũ thì nhiều CTCK từ lâu đã có nhu cầu sử dụng môi giới độc lập. Chẳng hạn, từ năm 2010, CTCK FPT (FPTS) thực hiện chiến lược xây dựng đội ngũ môi giới độc lập rộng khắp, công việc của các môi giới này chủ yếu là tiếp xúc, tư vấn và phát triển khách hàng; tư vấn, hỗ trợ khách hàng trong việc sử dụng các dịch vụ giao dịch chứng khoán. FPTS yêu cầu, các môi giới độc lập đảm bảo kế hoạch phát triển khách hàng và hạn mức giao dịch theo chính sách chung của Công ty. Khác với CTCK X nêu trên, quyền lợi mà FPTS dành cho môi giới độc lập là hưởng mức thu nhập theo chính sách chung của Công ty, bao gồm lương hàng tháng và các khoản thu nhập theo hiệu quả hoạt động. 

“Chân trong, chân ngoài”

Ngoài những môi giới độc lập thì có những người vừa là môi giới chính thức của một CTCK, vừa cộng tác với CTCK khác.

Kể từ khi một NĐT được phép mở tài khoản tại nhiều CTCK thì việc các CTCK có chung khách hàng không phải là chuyện hiếm. Lý do NĐT mở nhiều tài khoản là nhằm tận dụng báo cáo phân tích của các CTCK có lợi thế tại một số doanh nghiệp niêm yết nhất định. Ngoài ra, NĐT sử dụng margin sẽ có sự linh động khi CTCK hết hạn mức margin cho một mã chứng khoán nhất định (theo quy định, tối đa là 5% khối lượng lưu hành của cổ phiếu đó), hay ngừng cấp mới cho vay margin do không còn tiền, tỷ lệ cấp margin với cùng một mã cổ phiếu giữa các CTCK là khác nhau.

Vì vậy, một số nhân viên môi giới đang làm việc tại một CTCK, nhưng hợp tác với một vài CTCK khác để phục vụ những khách hàng có nhiều tài khoản. NĐT dù mở tài khoản tại nhiều CTCK nhưng vẫn chỉ cần giao dịch với một môi giới.

Theo quy định, một môi giới chứng khoán chỉ có thể làm chính thức tại một CTCK và phải có chứng chỉ hành nghề do UBCK cấp. Tuy nhiên, do nhu cầu mở rộng hoạt động và thu hút khách hàng nên nhiều CTCK cần tới các môi giới độc lập, thậm chí một bộ phận nhân viên môi giới chính thức không có chứng chỉ hành nghề.

Trong tuần cuối cùng của năm 2014, UBCK ban hành hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCK IB và CTCK TP. HCM do bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề thực hiện nghiệp vụ. Trước đó, ngày 18/7/2014, CTCK VNDirect bị xử phạt vì lỗi tương tự. 

Thực tế, NĐT không quan tâm nhân viên môi giới đã có chứng chỉ hành nghề hay chưa, điều họ quan tâm là môi giới tư vấn, chăm sóc khách hàng như thế nào, tìm kiếm cổ phiếu, thông tin ra sao. Ở TTCK Mỹ có câu nói: “Không có đại học nào tốt bằng đại học Wall Street”, với hàm ý nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc học hỏi từ những trải nghiệm thực tế trong công việc của những người hành nghề môi giới chứng khoán.

Tuy nhiên, chứng chỉ hành nghề chứng thực cho một người đã được học cả về nghiệp vụ lẫn đạo đức để tham gia một ngành nghề. Với nghề môi giới chứng khoán, đây là nghề cần tới những kiến thức sâu rộng về chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung, cũng như đạo đức nghề nghiệp để tư vấn cho khách hàng đầu tư an toàn, hiệu quả. Môi giới không có chứng chỉ hành nghề, NĐT dễ gặp rủi ro lớn. 

Thục Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục