Phim ảnh từ xưa đến nay, tuyệt đại đa số đều có hai tuyến nhân vật: chính diện và phản diện. Mà phim cũng như đời, lúc nào cũng toàn tốt cả (đấy là trong mơ) thì rất tẻ. Đến trong một con người còn có đủ cả tham, sân, si cơ mà. Thế nhưng, đúng là có những mẫu diễn viên chuyên trị vai ác, dù tâm rất lành. Cứ như trời sinh ra để làm túi đựng cục tức của thiên hạ vậy. Nói như cụ Nam Cao là cái mặt khó chơi, nên toàn đóng vai ác mà thôi…
Chợt nghĩ đến chứng khoán xứ ta. Chẳng biết có phải sinh nhằm giờ xấu hay không mà lâu nay, hình ảnh trong con mắt thiên hạ nếu không phải vai phản diện thì cũng rất khó chơi. Cách đây vài ba năm (mà đã như xa lắc), người ta bảo chứng khoán là đứa trẻ chưa nuôi đã lớn, lại có phần… nông nổi, trên tiền. Cái thời đó, hình ảnh dân chứng khoán là những người "làm chơi, ăn thật", na ná dân ngậm ngải tìm trầm ở xứ Quảng vừa rồi. Cứ vào rừng là có tiền tỷ, tiền chục tỷ, thậm chí ngàn tỷ trong tay. Chả ai nói đến cái việc có cả ngàn người lang thang rừng xanh, núi đỏ vô vọng từ tháng này sang tháng khác, cũng chả mấy ai nói đến đầu tư chứng khoán khó ăn thế nào. Trong cơn hâm hấp, bán là thua, mua là thắng ấy, khối người (trong đó có mình) được khuyến khích lao vào như con thiêu thân mà chẳng hiểu đang mua bán cái gì. Hết giờ lên sàn, người ta lại mô tả hình ảnh dân đầu tư, đại gia thì xe khủng; trung gia thì nhà to; đến tiểu gia cũng suốt ngày lặn lội bar nọ, quán kia… Bây giờ tỉnh lại mới nghĩ, đến đồng tiền thiên hạ làm rơi xuống đất, muốn nhặt lên còn phải cúi xuống, nữa là trên chứng trường khi người ta phải mua, bán cái đầu của nhau. Con khoán có tự nhiên… đẻ ra trứng đâu!
Bây giờ thì hình ảnh về chứng khoán lại phản diện theo một cách… rất thương. Nếu bị chê là hàm hồ cũng đành, nhưng mình thấy hình như xã hội đang ruồng bỏ chứng khoán, hệ thống thông tin ra rả về sự thua lỗ, mất mát... Có nhà đầu tư kể rằng, khi cậu ấy bảo với bố mẹ rằng mình đang đầu tư chứng khoán. Ông bố chép miệng, con học hành cẩn thận, sao không kiếm việc gì tử tế mà làm… he… he… Vì vậy cho nên, cái việc một chuyên gia kinh tế vừa cảnh báo rằng, khuyên đầu tư chứng khoán bây giờ là góp phần đẩy nhà đầu tư… xuống hố, cũng là phản ánh một tâm thế của xã hội mà thôi.
Từ cái hố không đáy đến cối xay tiền, toàn những hình ảnh khiến người ta rùng mình và tránh xa. Nhưng vừa rồi có người còn ví von ấn tượng hơn. Rằng cả năm nay, nhà đầu tư xứ ta toàn được nhắm… bò tùng xẻo. Nghĩa là cứ rả rích, cắt dần, xén dần... Chả biết có phải trùng hợp hay không, nhưng với chứng khoán, con bò là linh vật của "Tiến bang", con gấu là hình ảnh của "Tèo bang" thì phải. Mà tiến bang bị tùng xẻo cả năm thì hẳn là teo tóp lắm rồi!
Riêng mình rất sợ hình ảnh này. Nhớ ngày trước ở Hà Nội cũng có quán bò tùng xẻo. Mấy ông bạn nhậu năm lần bảy lượt chèo kéo. Mặc dù cũng thuộc loại mũi nhòm mồm, nhưng mình chưa bao giờ bước chân vào bãi bia tùng xẻo ấy. Cũng chả phải dạng mong manh dễ vỡ gì cho cam, nhưng cứ nghĩ đến cái hình phạt thời trung cổ ấy là lại rùng mình. Chắc dân Hà Nội nhiều người cũng có cảm giác ấy, nên cái sân bia to như sân bóng hồi nào giờ đã chẳng thấy tăm hơi… Nhưng dẫu không thích cũng phải công nhận rằng cái hình ảnh bò tùng xẻo ấy đúng với làng chứng quá. Khi cái ách tròng lên chưa vợi bớt, xã hội lại lạnh nhạt, thì "Ngài thị trường" gầy gò, teo tóp hẳn sẽ còn phải đóng vai phản diện dài dài.
Nhưng khi nhà đầu tư suốt tháng, suốt năm ăn món bò tùng xẻo liệu có phải chuyện riêng của chứng khoán? Chuyện này thì phải để các chuyên gia phân tích, nhận định. Riêng mình lại nhớ đến một câu chuyện thế này: có con chuột nhìn qua vết nứt ở vách tường và trông thấy bác nông dân đang mở một cái hộp. Nó nghĩ thầm, "có lẽ là có đồ ăn gì trong hộp". Nhưng liền sau đó, con chuột hốt hoảng khi phát hiện ra trong hộp có một cái bẫy. Chú ta bèn chạy ra ngoài vườn và la toáng lên:
- Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!
Chị gà mái đang bới đất gần đó nghe thấy thế ngẩng đầu lên và nói:
- Này chuột, đây quả là mối lo ngại ghê gớm đối với anh, nhưng nó chẳng có phiền hà gì với tôi, tôi không thể nào bị vướng vào cái bẫy chuột.
Chuột bèn quay sang nói với lợn:
- Anh lợn ơi, có một cái bẫy chuột trong nhà.
Anh lợn ủn ỉn có vẻ thông cảm:
- Tôi rất lấy làm tiếc cho cậu, tôi chả làm được gì, nhưng tôi sẽ cầu nguyện cho anh không bị vướng vào bẫy.
Nghe thấy thế, chuột hớt hải chạy đến bên bác bò gần đó:
- Bác bò, bác bò! Có một cái bẫy chuột trong nhà!
Bác bò vừa nhai cỏ, vừa từ tốn trấn an:
- Bác rất hiểu sự lo âu của cháu, nhưng bác cũng chẳng giúp được gì.
Chuột chán nản đi vào nhà, lòng buồn thiu, một mình nghĩ về cái bẫy chuột tàn nhẫn.
Thế rồi, một đêm kia, cái bẫy sập xuống. Vợ bác nông dân vội chạy tới để xem có bắt được con chuột nào không? Trong đêm tối loạng choạng, bà đã bị con rắn độc cắn vào chân. Thì ra, cái bẫy chuột đã sập vào đuôi của một con rắn.
Bác nông dân vội vàng chở vợ vào bệnh viện rồi về nhà bắt chị gà mái cắt tiết, làm thịt để nấu cháo cho vợ ăn. Bạn bè và hàng xóm nghe tin đã tới hỏi thăm. Để thiết đãi họ, bác nông dân đã chọc tiết anh heo. Sau nhiều ngày chống chọi với cơn bệnh, vợ bác nông dân qua đời. Vì họ hàng thân thuộc đến đưa đám rất đông, bác nông dân phải mổ thịt anh bò để có đủ thức ăn.
Hóa ra, cái bẫy chuột có thể bắt được cả con bò!