Nhiếp ảnh gia Cessna Kutz đã chụp lại khoảnh khắc thú vị cầu vồng nằm trải ngang trên bề mặt hồ Sammamish ở bang Washington, Mỹ và chia sẻ chúng lên trang Instagram cá nhân của mình.
Hiện tượng quang học này hình thành từ sự khúc xạ của ánh sáng Mặt Trời, đôi khi là Mặt Trăng, qua các tinh thể băng đá lơ lửng trong không khí. Mặt Trời khi đó phải ở vị trí rất cao, khoảng 58 độ so với đường chân trời hoặc cao hơn.
Những đám mây ti (cirrus clouds) được cấu tạo bởi những tinh thể băng đóng vai trò như một thấu kính khúc xạ ánh sáng khi ánh sáng Mặt Trời chiếu qua tinh thể băng sẽ tạo ra những dải màu rực rỡ nằm song song với đường chân trời.
Trong khi đó, cầu vồng lửa được cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) gọi là mây ngũ sắc. Họ cũng cho rằng hiện tượng này tương đối hiếm, chỉ xảy ra khi các đám mây mang nhiều giọt nước có kích thước gần như đồng nhất. Những đám mây này làm nhiễu xạ hoặc bẻ cong ánh sáng theo một cách giống nhau, khiến ánh sáng chiếu theo các bước sóng, hoặc màu sắc khác nhau. Vì thế, mây ngũ sắc có màu giống cầu vồng - tạo nên bởi hiện tượng nhiễu xạ, và cũng tạo ra dải màu đa dạng, gồm xanh da trời, xanh lá cây, đỏ, tía và xanh.
Tùy thuộc vào vị trí địa lý, hiện tượng cầu vồng lửa có thể xuất hiện trong suốt cả một năm.
Đối với Cessna Kutz, cầu vồng xuất hiện mang lại nhiều ý nghĩa với cô hơn là chỉ đơn thuần là một hiện tượng quang học. "Trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh Covid-19, tôi xem đây là một điềm báo của sự bình yên, hy vọng mà Đức Chúa dành cho mình. Điều cần làm bây giờ là hay lan tỏa tình yêu thương, những điều tích cực thay vì sợ hãi. Mọi điều xấu rồi cũng sẽ qua đi".