Hillary Clinton muốn thay Mark Zuckerberg làm CEO Facebook

Bà Clinton sẵn sàng trao đổi cuộc sống chính trị hiện tại để lãnh đạo công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Bà Hillary Clinton cho biết có thể bỏ làm chính trị để sang quản lý mạng xã hội Facebook. Bà Hillary Clinton cho biết có thể bỏ làm chính trị để sang quản lý mạng xã hội Facebook.

Theo Cnet, hôm 25/5 vừa qua, bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016 đã có mặt tại đại học Harvard để nhận huy chương Radcliffe, vinh danh những người "có tác động biến đổi đối với xã hội".

Tổng chưởng lý Maura Healey, thành viên đảng dân chủ ở Massachusetts, đã hỏi Clinton về việc liệu bà có muốn làm giám đốc điều hành của một công ty nào không.

Gần như không do dự, bà Clinton đã nhanh chóng trả lời là: "Facebook". 

"Đó là nền tảng tin tức lớn nhất trên thế giới", bà giải thích. "Hầu hết mọi người ở Mỹ đều đọc tin tức từ Facebook".

Trước các thông tin về bê bối dữ liệu gần đây của mạng xã hội này, bà Clinton thừa nhận rằng Facebook đang cố gắng giải quyết một số "hậu quả bất ngờ từ mô hình kinh doanh của họ" và "nó thực sự quan trọng đối với nền dân chủ của chúng tôi, nơi mà mọi người có được thông tin chính xác để đưa ra các quyết định".

Hillary Clinton muốn thay Mark Zuckerberg làm CEO Facebook ảnh 1

 Mark Zuckerberg nhiều lần bị đề nghị từ chức sau bê bối dữ liệu.

Về phần Mark Zuckerberg, ngay sau khi vụ bê bối nổ ra, ông chủ Facebook đã nhiều lần phải nhận các đề nghị từ chức từ các nhà đầu tư cũng như một số quan chức, bên cạnh số lượng lớn người dùng mạng xã hội này.

Nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng Jason Calacanis đã đánh giá khả năng ứng phó khủng hoảng của Zuckerberg là "rất tệ" và ông nên "từ chức giám đốc điều hành của công ty để cho COO Sheryl Sandberg lên nắm quyền thay".

Còn Scott Stringer, một quan chức giám sát các quỹ hưu trí thành phố New York (Mỹ), đồng thời là cổ đông nắm giữ một tỷ USD cổ phần của Facebook cũng kêu gọi Mark Zuckerberg từ chức chủ tịch Facebook. 

Ông Scott Stringer cũng cho rằng vụ bê bối của Facebook thực sự là một "nguy cơ đối với nền dân chủ". "Các quỹ của chúng tôi sẽ không rút tiền khỏi Facebook, nhưng chúng tôi có quyền thẩm vấn", Scott Stringer nói thêm.

Facebook đang nỗ lực để giành lại niềm tin của người dùng sau một loạt các tranh cãi gần đây, bao gồm cả vụ bê bối Cambridge Analytica, trong đó dữ liệu từ 87 triệu người dùng Facebook đã được sử dụng với mục đích tư vấn chính trị.

Vào tháng 4, Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerburg - đã làm chứng trước Quốc hội Mỹ về các vấn đề bảo mật và kiểm duyệt dữ liệu.

Đầu tuần này, ông đã xuất hiện trước Nghị viện châu Âu để thảo luận về ảnh hưởng mà Facebook đã tạo ra. CEO này cũng cho biết Facebook sẽ hỗ trợ các quy định liên quan đến quảng cáo chính trị, sau khi những kẻ lừa đảo ở Nga sử dụng mạng xã hội để can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục