Hiểu về lỗ kép trong đầu tư chứng khoán

(ĐTCK) Khái niệm lãi kép, được mệnh danh như chiếc chìa khóa vàng trong đầu tư tài chính, chắc không xa lạ với giới đầu tư và nhiều người am hiểu về tài chính nhưng khi nào thì nên sử dụng và khi nào có thể thành lỗ kép sẽ còn khá mới với nhiều người.

Nhắc lại về lãi kép

Được mệnh danh là "kỳ quan thứ 8" của thế giới, lãi suất kép, hay gọi ngắn lại là lãi kép có thể được hiểu là việc bạn tái đầu tư số tiền lãi bạn vừa nhận được từ một giao dịch nào đó như gửi tiết kiệm hay đầu tư chứng khoán...

Tức là, khi nhận được một số tiền lãi nhất định sau một khoảng thời gian đầu tư, bạn dồn vào số tiền gốc ban đầu để tái đầu tư. Khi lãi phát sinh được cộng dồn vào tiền vốn càng nhiều, thì số lãi thu được của các kỳ sau sẽ càng cao. Như vậy, khái niệm lãi kép xuất hiện khi số tiền lãi sinh ra được cộng dồn vào vốn khởi điểm để tiếp tục tái đầu tư.

Khái niệm này hoàn toàn không mới, dân gian ta vẫn gọi bằng nhiều tên khác như "lãi mẹ đẻ lãi con" hoặc "lãi chồng lãi".

TS. Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng Ngân hàng MB, Tiến sĩ Đại học Paris Dauphine

Công thức tính lãi kép

Để tiện cho các bạn chưa tiếp cận nhiều với tài chính, người viết xin nhắc lại công thức tính lãi kép như sau:

A = P x (1 + r)^n

Trong đó, A là số tiền bạn sẽ được nhận trong tương lai; P là số tiền đầu tư của bạn tại thời điểm hiện tại; r là mức sinh lời trong kỳ; n là số chu kỳ lãi kép.

Ví dụ, bạn có số vốn ban đầu là 1 tỷ VND và đầu tư với tỷ suất sinh lời là 5%/tháng thì cuối năm bạn sẽ nhận được là 1,795 tỷ VND, tức là đạt mức sinh lời gần 80% và công thức tính lãi kép như sau:

A = 1.000.000.000 x (1 + 5%)^12 = 1.795.856.326.

Lỗ kép

Mọi người vẫn thường nói, có đến 80% nhà đầu tư chứng khoán nhỏ lẻ thua lỗ. Nguyên nhân có thể có nhiều, như do mới tập chơi, không am hiểu về tài chính, nghe theo các hội nhóm, không biết điểm mua, điểm bán nên tỷ lệ thua lỗ khi giao dịch nhiều hơn thắng... Những điểm này hoàn toàn có thể khắc phục nếu các bạn thực sự muốn chứng khoán trở thành một nghề kiếm sống, đa dạng hóa thu nhập hay gia tăng thu nhập từ những khoản tiết kiệm nhàn rỗi.

Có một nguyên nhân rất quan trọng là do các bạn chưa thực sự hiểu sức mạnh của lãi kép, khi nào thì nên áp dụng và khi nào thì không. Các bạn hãy xem hai tình huống của 2 nhà đầu tư A và B sau đây.

Tình huống 1: Cả hai nhà đầu tư cùng xuất phát với mức vốn ban đầu là 1 tỷ VND và đều thực hiện 24 lần giao dịch. Cả hai nhà đầu tư đều có tỷ lệ thắng thua là 50/50 và đều thắng từ lượt đầu tư đầu tiên. Điểm chốt lời của cả 2 nhà đầu tư đều là 60% và hạn mức dừng lỗ đều là 50%. Điểm khác nhau duy nhất là nhà đầu tư A thì không tái đầu tư để hưởng lãi kép, còn nhà đầu tư B thì tái đầu tư để hưởng lãi kép.

Trường hợp nhà đầu tư A, không tái đầu tư, thì sau 24 lần giao dịch với tỷ lệ thắng/thua là 50/50; chốt lời ở mức lãi 60% và cắt lỗ ở mức 50%, thì tài sản được tăng thêm 120% lên mức 2,2 tỷ. Còn nhà đầu tư B với các thông số như nhà đầu tư A, nhưng tái đầu tư, thì sau 24 lần giao dịch, tài sản giảm từ 1 tỷ xuống còn 68,7 triệu đồng, tức tài sản giảm 93,13%.

Hình 1 – Nên tái đầu tư hay không (Tình huống 1)

Thú vị phải không các bạn? Rõ ràng là tỷ lệ thắng thua là như nhau, đều là 50/50 và tỷ lệ chốt lãi cao hơn tỷ lệ cắt lỗ, nhưng sau 24 lần giao dịch, tài sản của nhà đầu tư B giảm còn 6,9% so với số vốn ban đầu. Sức mạnh bào mòn vốn thật kinh khủng, nên người viết đặt tên cho những trường hợp như thế là “lỗ kép” và công thức tính lỗ kép cũng giống như tính lãi kép.

Đi tìm điểm vàng

Tình huống thứ 2: Với các thông số hoàn toàn giống với tình huống 1 nêu trên, chỉ có một điểm khác duy nhất là cả hai nhà đầu tư cùng điều chỉnh mức chốt lời về 6% và cắt lỗ là -5%, tức là xác lập mức cắt lỗ bằng 80% mức chốt lời - một tỷ lệ hoàn toàn tương ứng với 60% và -50% trong tình huống A.

Kết quả của hành động điều chỉnh mức kỳ vọng chốt lời và cắt lỗ giúp cả hai nhà đầu tư A và B đều lãi. Điều đó cho thấy, bên cạnh tỷ lệ thành công, thì việc xác lập kỳ vọng chốt lời và ngưỡng cắt lỗ sẽ giúp phát huy được sức mạnh của lãi kép và giúp nhà đầu tư trở nên hiệu quả hơn. Để xác lập tỷ lệ này, các bạn cần tính toán tỷ lệ thành công, mức chốt lời và cắt lỗ bình quân trong quá khứ để tính ra các thông số và điều chỉnh sao cho hiệu quả nhất với bản thân.

Hình 2 – Nên tái đầu tư hay không (Tình huống 2)

Ứng dụng

Cần thống kê tỷ lệ thắng/thua trong một thời gian nhất định và mức chốt lời và cắt lỗ trung bình của bạn, giả sử là một năm, thời gian chốt lời và cắt lỗ trung bình để xác định có nên nên tái đầu tư để hưởng lãi kép trong tình huống của bạn hay không và xác lập kỳ vọng chốt lời và cắt lỗ ở mức tối ưu nhất dựa trên lịch sử thói quen giao dịch của các bạn.

Nếu các bạn mới tập đầu tư và có tỷ lệ chiến thắng dưới 50% thì chắc chắn không nên tái đầu tư để hưởng lãi kép. Với tỷ lệ chiến thắng dưới 50% giao dịch, việc tái đầu tư chỉ làm cho tiền vốn của các bạn bị bào mòn nhanh chóng.

Nếu các bạn có tỷ lệ chiến thắng cao, thì việc tái đầu tư để tăng nhanh tài sản là việc hết sức nên làm và cần tăng vòng quay vốn để đẩy nhanh quá trình sinh lãi kép.

Các bạn có thể vận dụng bản chất căn cốt của lãi kép để đưa ra nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu cho mình. Ví dụ, nếu bạn muốn đạt mục tiêu sinh lời 40%/năm thì thay vì tìm 1 cổ phiếu đầu tư với mục tiêu sinh lợi nhuận 40% trong 12 tháng, bạn có thể chọn tìm 4 cổ phiếu sinh lời ở mức 9% trong 4 quý, hay mỗi 2 tháng bạn tìm cho mình 1 cổ phiếu có tỷ suất sinh lời 6%. Khi chia nhỏ vấn đề, bạn sẽ có nhiều lựa chọn phù hợp với phong cách của mình giúp bạn dễ dàng đạt được mục tiêu.

Lời cuối

Có lãi kép thì sẽ có lỗ kép, mong các bạn thật sự hiểu ý nghĩa và sức mạnh của lãi kép và hiểu bản thân mình để ứng dụng hiệu quả.

Chúc các bạn đầu tư thành công!

TS. Đàm Nhân Đức
Kinh tế trưởng Ngân hàng MB, Tiến sĩ Đại học Paris Dauphine

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục