Hiệu ứng mang tên ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự xuất hiện của ứng dụng ChatGPT, một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển, đã làm giới công nghệ chao đảo.
Những ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT sẽ tác động đến cách thức làm việc, tổ chức nhân sự của nhiều ngành, lĩnh vực. Những ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT sẽ tác động đến cách thức làm việc, tổ chức nhân sự của nhiều ngành, lĩnh vực.

Ứng dụng ChatGPT (tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer) hiện được mệnh danh là trí tuệ nhân tạo (AI) thông minh nhất thế giới. Nó có thể trò chuyện, trả lời lưu loát, đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì chỉ sau vài giây.

Hiện công cụ ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng, chỉ sau 2 tháng ra mắt, khiến nó trở thành ứng dụng có lượng người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Theo thống kê của Sensor Tower, nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram mất tới 2,5 năm để đạt được con số này.

Google hiện đang phát triển một chatbot có tên là Apprentice Bard, sử dụng công nghệ đàm thoại LaMDA độc quyền LaMDA để cạnh tranh với ChatGPT. Cách đây không lâu, Giám đốc điều hành Google - Sundar Pichai đã tuyên bố sẽ ra mắt ít nhất 20 sản phẩm hỗ trợ AI trong năm nay.

Tại Việt Nam, AI là một trong những lĩnh vực công nghệ được Chính phủ coi là nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, AI đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thành phố thông minh, y tế, nông nghiệp và môi trường. Trong thời kỳ Covid-19, nhiều ứng dụng AI được phát triển để chẩn đoán và chống dịch. Trợ lý giọng nói AI cũng là một xu hướng được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban Uỷ ban Web 3.0 Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhà sáng lập Trustkeys Network chia sẻ, nếu đánh giá về mặt phát triển công nghệ và ứng dụng thì tùy vào lĩnh vực sẽ có rất nhiều mô hình để ứng dụng AI vào thực tế, ví dụ lĩnh vực tài chính đã sử dụng AI để hỗ trợ cho việc dự báo. Thách thức lâu nay của việc áp dụng robot là sự tương tác tự nhiên giữa người và máy, nhưng sự ra đời của Chat GPT đã bước đầu giải quyết được điều này.

Cũng theo ông Trung, Blockchain và AI là hai công nghệ có thể kết hợp và bổ sung cho nhau. Blockchain được coi là sổ cái lưu trữ thông tin phi tập trung, chống giả mạo và minh bạch. Trong khi đó, AI là bộ xử lý dữ liệu theo mô hình tập trung, phát triển nhanh nhưng kết quả đầu ra thiếu minh bạch.

Hiện Blockchain đang gặp vấn đề về khả năng mở rộng và hiệu suất, còn AI thì nhận nhiều ý kiến trái chiều do thiếu minh bạch và vi phạm bản quyền. Hai công nghệ này kết hợp với nhau sẽ giải quyết được nhược điểm của nhau. Blockchain cung cấp sự tin cậy và quyền riêng tư, trong khi AI nâng cao hiệu quả và tốc độ, đặc biệt là trong ngành dịch vụ tài chính.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Thành cho rằng, trong thời gian tới, các công nghệ có thể kết hợp với nhau, để đưa ra những dòng ứng dụng mới áp dụng vào bài toán kinh doanh thực tế trong lĩnh vực chứng khoán, hay chăm sóc khách hàng, thanh toán, song song với những giải pháp truyền thống.

“TrustKeys Finance là một trong những công ty tiên phong phát triển tích hợp ChatGPT vào ứng dụng Chat bảo mật kết hợp với các tiện ích của Blockchain”, ông Thành chia sẻ.

Ở một góc nhìn khác, ông Thái Việt Dũng, Giám đốc Exness tại thị trường Việt Nam cho rằng, ChatGPT ra đời là một thách thức đối với các công ty, đặc biệt là các công ty công nghệ đang sử dụng con người vào việc đưa ra những nhận định hoặc làm công việc hỗ trợ cho khách hàng. Khi ứng dụng này được hoàn thiện hơn, nó cũng sẽ là một đối thủ đáng gờm đối với các nhân sự ngành công nghệ. Bởi khi đó, các doanh nghiệp sẽ nghĩ đến biện pháp giảm thiểu nhân lực, vì ở cùng một thời điểm, rõ ràng, robot có thể xử lý được nhiều nguồn thông tin hơn con người.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục