Theo ông, tỷ giá USD/VND tăng trong những ngày qua có đáng quan ngại?
Nếu USD tăng so với đồng tiền khác mà giảm so với VND thì mới đáng quan ngại. Còn hiện nay, USD tăng so với các đồng tiền khác như Yên Nhật, đô la Úc, đồng Ringgit Malaysia, Nhân dân tệ Trung Quốc từ 3 - 5% thì VND mất giá 2 - 3% là bình thường. Thực ra, tỷ giá đã bị “nén” trong năm 2017.
Năm ngoái, lạm phát của Việt Nam là 4%, USD giảm giá 0,2% so với VND. Thời điểm này, tỷ giá USD/VND tăng là không bất thường so với diễn biến tình hình kinh tế thế giới. Tỷ giá tăng thì xuất khẩu các mặt hàng cơ bản như cá, nông sản, gạo, thủy sản sẽ có lợi. Như vậy, khu vực nông thôn được hưởng lợi. Tuy nhiên, tỷ giá tăng khiến chi phí nhập nguyên vật liệu tăng, các hoạt động chế biến thô khó cạnh tranh hơn. Có mặt hưởng lợi, có mặt chịu tác động bất lợi thì nhìn chung, tỷ giá tăng 2 - 3% không phải vấn đề lo ngại.
Vấn đề đáng ngại nằm ở đâu?
Nằm ở lạm phát tăng. Cung tiền của Chính phủ ảnh hưởng đến lạm phát. Chính phủ thi hành chính sách tiền tệ an toàn sẽ quyết định lạm phát.
Ông có cho rằng, biến động tỷ giá đang ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán?
Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm vì đã tăng quá cao trước đó. P/E bình quân của thị trường cuối năm 2017 chỉ khoảng 12 - 14 lần đã tăng lên 21 lần trong những tháng đầu năm 2018, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Khi giá cao thì nhà đầu tư ngoại rút vốn là logic. Thị trường giảm, nguyên nhân chính là P/E cao.
Nguyên nhân thứ hai là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục và dự kiến còn 3 lần tăng nữa trong năm nay. Do chính sách của Fed và tính vững chắc của nền kinh tế Mỹ nên nhà đầu tư ngoại rút vốn về.
Thị trường chứng khoán còn chịu áp lực tâm lý do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Có ý kiến lo ngại về nguy cơ khủng hoảng kinh tế mới. Theo ông, trong tình huống này, nhà đầu tư nên tìm kênh trú ẩn an toàn nào?
Nguyên tắc chung thì khi có chiến tranh thương mại thì hai bên đều suy giảm thương mại, nước nào cũng bị ảnh hưởng. Giai đoạn 2012 - 2013 và năm 2014, các tổ chức lớn như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) luôn phân tích tăng trưởng kinh tế Trung Quốc để dự báo kinh tế thế giới và xem kinh tế Trung Quốc là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới vì thị trường này có lợi thế dân số đông, sức mua lớn.
Tuy nhiên, hiện nay, các yếu tố này đã giảm tầm ảnh hưởng đi nhiều. Lý do là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra các nền tảng mới cho tăng trưởng dịch vụ, hàng hóa. Vì thế, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại lần này tới thương mại toàn cầu không như những gì đã xảy ra trước đây. Chúng ta không thể đổ lỗi cho thương mại toàn cầu suy giảm khiến kinh tế Việt Nam suy giảm, mà vấn đề là chúng ta có tham gia vào chuỗi giá trị đó được hay không.
Mỹ đang muốn dùng thuế để kiềm lại sản xuất quy mô lớn của Trung Quốc, mà ở đó có vấn đề về môi trường, về tài trợ của nhà nước cho hàng xuất khẩu. USD đang mạnh lên, nền kinh tế Mỹ vững chắc sẽ là đầu tàu cho kinh tế thế giới, nên tôi cho rằng, không lo ngại về khủng hoảng kinh tế thế giới.
Vậy theo ông, thời điểm này nên chọn kênh đầu tư nào?
Vẫn là chứng khoán, vì tôi cho rằng, đổ vốn vào bất động sản không hy vọng nhiều lãi trong năm 2018, vàng thì vẫn chênh lệch với giá thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng, còn USD nhiều lắm cũng chỉ tăng 5%. Chính phủ vẫn đang điều tiết được tỷ giá. Mặt bằng giá cổ phiếu đang ở mức hợp lý hơn, trong đó có những cổ phiếu tốt có thể mua đầu tư trung hạn, hoàn toàn có thể thu được lợi nhuận cao sau 6 tháng hay 1 năm.
Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất thì nhà đầu tư ngoại có thể sẽ duy trì động thái bán ròng và không quay lại thị trường?
Thị trường luôn có quán tính. Thị trường chứng khoán Việt Nam không có các nhà tạo lập thị trường như các thị trường phát triển. Các nhà tạo lập thị trường sẽ mua cổ phiếu vì lợi nhuận hợp lý mà doanh nghiệp đó trong quá trình tăng trưởng sẽ mang lại. Tâm lý nhà đầu tư giai đoạn này là mất niềm tin nên họ không mua.
Thị trường xuống tiếp sẽ xuất hiện điểm mua hợp lý, nhà đầu tư mua không phải vì thì trường sắp lên, mà vì giá trị nội tại của doanh nghiệp. Theo đó, thị trường tiếp tục giảm thì hiệu ứng giá thấp sẽ xuất hiện, hấp dẫn nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài.