“Hiệu ứng domino” vây nhiều dự án ở Quảng Nam - Bài 3: “Bãi rác” dự án khó dọn

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi “ma lực” của đất đai khiến các chủ đầu tư bất chấp pháp luật, thì chính quyền địa phương lại áp dụng “lệ” gây khó cho chính mình trong quá trình xử lý hậu quả.
Hạ tầng “chắp vá”, nhiều dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc biến thành nơi trồng rau, trồng hoa Hạ tầng “chắp vá”, nhiều dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc biến thành nơi trồng rau, trồng hoa

Bài 3: “Bãi rác” dự án khó dọn

Trong khi “ma lực” của đất đai khiến các chủ đầu tư bất chấp pháp luật, thì chính quyền địa phương lại áp dụng “lệ” gây khó cho chính mình trong quá trình xử lý hậu quả.

“Nước đôi” trên hai chữ “nếu cần”

Không chỉ bất lực quản lý đất đai, UBND thị xã Điện Bàn còn tự làm khó mình bằng quy định… nửa vời, áp dụng trong nhiều năm cho các dự án (như Khu đô thị Ven sông Dương Hội, Khu đô thị Viêm Minh - Hà Dừa, Khu đô thị Ngọc Dương CoCo, Khu dân cư đô thị Điện Thắng Trung khu vực 2...).

Cụ thể, điểm b, khoản 1, Điều 9, Quyết định số 18276 (ngày 21/11/2017) của UBND thị xã Điện Bàn, quy định: “Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tổ giúp việc thường trực vào sổ theo dõi, trình hồ sơ cho Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch (thường trực) Hội đồng thẩm định bồi thường xem xét để giao nhiệm vụ cho người thẩm định trực tiếp của Hội đồng tiếp nhận, tổ chức kiểm tra thực tế (nếu cần)…”.

Đến ngày 30/3/2020, UBND thị xã Điện Bàn lại ban hành Quyết định số 2256 (đang có hiệu lực pháp luật), trong đó điểm b, khoản 1, Điều 9 quy định: “Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tổ giúp việc thường trực vào sổ theo dõi, trình hồ sơ cho Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định bồi thường (là Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường) xem xét để giao nhiệm vụ cho người thẩm định trực tiếp của Hội đồng tiếp nhận, tổ chức kiểm tra thực tế (nếu cần)…”.

Còn Thông báo số 477 ngày 18/9/2017 về Kết luận của Phó chủ tịch UBND thị xã tại cuộc họp với các thành viên Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thị xã thì yêu cầu: “Để nâng cao chất lượng công tác thẩm định, cần tổ chức kiểm tra thực tế, tỷ lệ ít nhất 10% và phải đảm bảo chất lượng, chính xác, đúng quy định, đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu của dự án”.

Đáng nói là, sau khi đưa hai chữ “nếu cần” vào các văn bản trên, thì Đoàn thanh tra UBND thị xã Điện Bàn lại phải ngồi lại “nghiên cứu” hai từ đó và nhận thấy: “Có thể khi thẩm định, có dự án không cần đi kiểm tra thực tế mà chỉ dựa trên hồ sơ, tài liệu liên quan. Và có thể khi thẩm định, có dự án cần đi kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, việc nếu cần này chưa được hướng dẫn, quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của

Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thị xã, gây lúng túng trong quá trình thực hiện hiện nay (chúng ta có thể lượng hóa việc nếu cần này bằng cách: ví dụ khi có đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc kiểm kê vật kiến trúc, cây cối, tài sản trên đất, thì cần đi kiểm tra thực tế…)”.

UBND thị xã Điện Bàn khẳng định: “Việc các chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng và đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thoát nước… đã làm mất hiện trạng cây cối, hoa màu, vật kiến trúc, mồ mả trên đất khi phương án chưa được thẩm định gây khó khăn cho việc thẩm định phương án theo Quyết định số 2256 của UBND thị xã. Ngoài ra, việc san lấp mặt bằng, triển khai thi công xây dựng khi chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền để thực hiện dự án là không đảm bảo quy định pháp luật”.

Nhưng UBND thị xã Điện Bàn phải thừa nhận: “Việc chưa được hướng dẫn, quy định cụ thể về ‘nội dung tổ chức kiểm tra thực tế (nếu cần)’ trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thị xã ban hành kèm theo Quyết định số 2256 của UBND thị xã gây lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án hiện nay”.

Nhiều người nghe rất dễ bật cười hoặc lắc đầu với cách mà UBND thị xã Điện Bàn “biện giải” lòng vòng ở trên.

Không đảm bảo quy định của pháp luật

Kết quả kiểm tra thực tế hiện trường tại Khu đô thị Ven sông Dương Hội (ngày 11/5/2021), Khu dân cư đô thị Điện Thắng Trung khu vực 2 (ngày 12/5/2021), Khu đô thị Viêm Minh - Hà Dừa (ngày 9/5/2021) và Khu đô thị Ngọc Dương CoCo (ngày 11/5/2021) của Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã và các chủ đầu tư cho thấy, chủ đầu tư Khu đô thị Ven sông Dương Hội đã san lấp mặt bằng hết diện tích đất nông nghiệp mà nhân dân đã nhận tiền ứng trước và đang xây dựng hạ tầng giao thông, thoát nước.

Trong khi đó, chủ đầu tư Khu dân cư đô thị Điện Thắng Trung khu vực 2 đã san lấp mặt bằng toàn bộ diện tích có mồ mả ảnh hưởng bởi Dự án và đang xây dựng hạ tầng giao thông, thoát nước. Còn tại Khu đô thị Ngọc Dương CoCo, phần lớn diện tích đã được san lấp mặt bằng, đã xây dựng những hạ tầng cơ bản như đường sá, cống thoát nước… và phần diện tích chưa được lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì mất hiện trạng sử dụng đất của 19/19 hộ có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi Dự án, một nhà thờ tộc Trần bị mất hiện trạng hoàn toàn...

Tại Khu đô thị Viêm Minh - Hà Dừa, trong năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Bàn chi ứng trước cho các hộ dân với tổng số tiền 3,3 tỷ đồng. Còn tại Khu đô thị Ngọc Dương CoCo, từ năm 2017 đến tháng 6/2020, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Bàn chi ứng trước cho các hộ dân với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng. Sau khi chi tiền ứng trước không qua đơn vị giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư thi nhau san lấp mặt bằng nhiều diện tích mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Báo cáo với UBND tỉnh Quảng Nam tại Văn bản số 161, ngày 12/7/2021, UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư các dự án. Sau đó là một phần trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà ở đây là Trung tâm Giải phóng mặt bằng thị xã, Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã và UBND các phường có dự án.

Liên quan việc triển khai thi công, san lấp mặt bằng không có giấy phép xây dựng, các chủ đầu tư đã bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Còn trách nhiệm cá nhân, UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, đó là các lãnh đạo, phụ trách tổ và những nhân viên thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ, cũng như cán bộ phụ trách và quản lý hiện trạng của UBND các xã, phường có dự án.

Đáng nói là, dù buông lỏng quản lý đất đai, để các chủ đầu tư mặc sức tự tung, tự tác, nhưng nhiều quan chức có liên quan chỉ bị UBND thị xã Điện Bàn yêu cầu “kiểm điểm tinh thần trách nhiệm” (!).

Ngày 20/10/2021, phóng viên Báo Đầu tư liên hệ với ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam để hỏi về hướng xử lý các dự án “cầm đèn chạy trước ô tô” tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thì được đề nghị trao đổi với ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Phóng viên Báo Đầu tư đã gọi điện và nhắn tin theo chỉ đạo của ông Lê Trí Thanh, nhưng ông Nguyễn Hồng Quang không có bất cứ phản hồi nào…

Xem xét chấm dứt hoạt động 4 dự án

Ngày 13/9/2021, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát hồ sơ pháp lý và tham mưu UBND tỉnh xem xét, chấm dứt hoạt động đầu tư của các dự án Khu đô thị Bách Đạt 3, Khu đô thị Bách Đạt 4, Khu đô thị Bách Đạt 5, Khu đô thị Bách Đạt 6 tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc do công trình chợ Điện Dương đã được bàn giao lại cho Công ty cổ phần Bách Đạt An trực tiếp quản lý, khai thác (không còn thuộc trường hợp bố trí quỹ đất đối ứng thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình chợ Điện Dương).

Sở dĩ có chỉ đạo trên là “nhờ” Thông báo số 182, ngày 14/6/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi, điều chỉnh một số dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

Theo tài liệu của phóng viên Báo Đầu tư, tại 4 dự án kể trên, các chủ đầu tư đã thực hiện chi ứng trước cho các hộ dân không qua đơn vị giải phóng mặt bằng với tổng số tiền lên đến hơn 14 tỷ đồng. Cụ thể, tại Khu đô thị Ven sông Dương Hội, từ tháng 2/2018 đến tháng 4/2021, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Công Kin chi ứng trước cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng với tổng số tiền 5 tỷ đồng. Tại Khu dân cư đô thị Điện Thắng Trung (khu vực 2), từ năm 2018 đến tháng 2/2020, Công ty TNHH Xây dựng, thương mại và dịch vụ An Dương chi ứng trước cho các hộ dân với tổng số tiền 3,1 tỷ đồng.

(Còn tiếp)

Nhiệt Băng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục