Bên cạnh vấn đề về hạ tầng công nghệ, vấn đề về quyền sở hữu và định đoạt tài sản chứng khoán của nhà đầu tư khi giao dịch trên TTCK (giao dịch không hủy ngang) cũng đang là mối quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, ngay trong ngày T, khi giao dịch mua của nhà đầu tư được xác nhận thực hiện, chứng khoán đã là của nhà đầu tư và họ có quyền sở hữu cũng như quyết định giao dịch. ĐTCK xin giới thiệu ý kiến của 2 luật sư về vấn đề này.
Luật sư Trần Phương Bắc, Công ty Luật hợp danh Luật Việt
Trong Luật dân sự Việt Nam liên quan đến vấn đề sở hữu, có đề cập đến thời điểm chuyển giao tài sản. Về vấn đề này tại nhiều nước, các bộ luật cũng có các quan điểm rất khác nhau. Chẳng hạn, có nước đề cập đến khái niệm sở hữu nhưng không quan tâm đến vấn đề tài sản đó được chuyển giao hay chưa. Trái lại, có những nước chỉ xác nhận quyền sở hữu khi tài sản đó đã được thực sự chuyển giao. Ở Việt Nam, về quyền sở hữu với chứng khoán của NĐT đặt mua vẫn khá mơ hồ: Sau thời điểm hệ thống xác nhận giao dịch mua thành công (ngày T), nhưng cổ phiếu thực sự về trên tài khoản (ngày T+3), về vấn đề sở hữu, tinh thần các bộ luật hiện nay chưa đề cập cụ thể.
Trong lĩnh vực chứng khoán có một khái niệm đó là "ngày chốt quyền". Đây là ngày các công ty chốt danh sách nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng, họp ĐHCĐ… Nếu NĐT ngày mua cổ phiếu vào ngày T, khi hệ thống xác nhận giao dịch thành công, đương nhiên NĐT được hưởng các quyền lợi của cổ đông công ty, mà không phải chờ đến thời hạn T+3 khi cổ phiếu thực sự về trên tài khoản. Thời điểm T+3 này thực tế chỉ là thời điểm thanh toán, phụ thuộc vào hệ thống giao dịch, có thể rút ngắn nếu hệ thống cho phép. Vì vậy, vào ngày T khi hệ thống xác nhận giao dịch đã thành công, ngay tại thời điểm đó đã có thể xác nhận quyền sở hữu của NĐT với số cổ phiếu vừa mua. Tuy nhiên, NĐT đã có quyền sở hữu, nhưng quyền định đoạt cần quy định cụ thể hơn trong luật chuyên ngành.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. HCM, Văn Phòng luật sư Nghiêm& Chính
Luật Dân sự có đề cập đến vấn đề sở hữu tài sản, trong đó quan trọng nhất là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu. Cụ thể điều 168, Bộ luật Dân sự quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản như sau:
1. Đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Chứng khoán của NĐT là động sản. Theo phương thức giao dịch hiện hành, khi mua chứng khoán, NĐT phải có 100% số tiền trong tài khoản. Số dư tiền trong tài khoản của khách hàng sẽ bị phong tỏa ngay khi đặt lệnh giao dịch vào ngày T và kéo dài việc phong tỏa cho đến khi việc thanh toán thực sự diễn ra (nếu giao dịch mua được hệ thống xác nhận thành công). Tài khoản của NĐT sẽ được ghi tăng cổ phiếu vào ngày T+3. Do đó, chiểu theo Khoản 2, Điều 168, Luật Dân sự, quyền sở hữu của NĐT với cổ phiếu sẽ hiệu lực từ lúc ghi tăng cổ phiếu vào ngày T+3.